Phan Khôi Người Dịch Kinh Thánh Tin lành Ra Tiếng Việt

0
1989
Phan Khôi Người Dịch Kinh Thánh Tin lành Ra Tiếng Việt

Phan Khôi Người Dịch Kinh Thánh Tin lành Ra Tiếng Việt

Như nhiều người trong chúng ta đã biết đến Phan Khôi như là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã khởi xướng ra phong trào thơ mới vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, nhưng có lẽ ít người biết rằng ông còn là một nhà ngôn ngữ, một dịch giả đã góp phần tham gia dịch nhiều công trình, tác phẩm trong đó có dịch cuốn Kinh Thánh ra tiếng Việt vào đầu thế kỷ XX cho tín đồ Tin Lành.

Đạo Tin Lành đã được truyền vào nước ta từ khá sớm nhưng phải đến năm 1911 mới đặt được cơ sở đầu tiên ở Đà Nẵng, đánh dấu về mặt lịch sử cho các hội thánh Tin lành. Từ đó đất Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành cái nôi của đạo Tin Lành ở Việt Nam. Vùng đất Quảng Nam nói riêng là quê hương sinh ra nhiều danh nhân, khoa bảng, nhà cách mạng kiệt xuất như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Chí Công… trong đó có nhà văn, nhà báo, dịch giả nổi tiếng Phan Khôi ở đầu thế kỷ XX, ông đã có công đầu trong việc dịch bản Kinh Thánh từ chữ Hán ra tiếng Việt cho người theo Tin Lành.

I Tiểu sử và sự nghiệp

Phan Khôi, hiệu Chương Dân, Tú Sơn, bút danh Thông Reo, Tân Việt, Khải Minh Tử, sinh ngày 06 –10 -1887 (20. 8. năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phó bảng Phan Trân, từng là Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hoà), mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hoàng Diệu. Cụ Phan Trân có hai người con, một trai là Phan Khôi và một gái là Phan Thị Diệm, sinh năm 1890. Năm 27 tuổi, ông cưới vợ là Lương Thị Tuệ, 19 tuổi, con gái đầu lòng của cụ cử nhân Lương Thúc Kỳ, người làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà sinh cho ông được 8 người con (4 trai, 4 gái). Năm 1935, ông lấy thêm người vợ hai tên là Nguyễn Thị Huệ, sinh năm Tân Hợi (1911), sống ở Hà Nội, người gốc xã Xuân Giao, huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Theo nhà văn Phan Thị Mỹ Khanh (con gái của Phan Khôi), cho biết: “Dì có với cha tôi ba người con” (1). Như vậy, Phan Khôi có cả thảy là 11 người con (6 trai, 5 gái). Phan Khôi qua đời vào ngày 16 – 1 – 1959 (8 -12 – Mậu Tuất), tại một căn nhà ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi. Hiện phần mộ của ông được đặt tại quê hương Điện Bàn, Quảng Nam.

Phan Khôi là học trò của chí sĩ Trần Quý Cáp, của thầy Phan Thành Tài, thầy Lê Hiên. Ngay từ nhỏ, Phan Khôi đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi và hay lý sự. Năm 1906, lúc vừa 19 tuổi, thi Hương tại Huế và đậu Tú tài Hán học, nên thường được gọi là Tú Khôi. Năm 1906, ra Hà Nội học tiếng Pháp. Lúc đương thời, Phan Châu Trinh rất mê tài học của ông và nói với mọi người rằng: Quảng Nam sẽ có hai tiến sĩ xuất sắc là Phan Khôi và Nguyễn Bá Trác. Lời tiên đoán ấy của Phan Châu Trinh tuy không thành sự thật, nhưng xét trên thực tài thì Phan Khôi là một người xuất sắc về nhiều lĩnh vực của học thuật. “Từ một nhà hoạt động duy tân, nhà báo, nhà thơ, nhà lý luận… Ở bộ môn nào ông cũng tỏ ra rất sắc sảo độc đáo mà có lẽ một vị Tiến sĩ cũng khó bắt kịp tài năng, bút pháp và lý luận của ông.” (2).

Năm 1908, phong trào Duy Tân bị khủng bố, ông bị bắt và bị giam tại Hội An cho đến năm 1911 (3) mới được trả tự do. Ra khỏi tù, ông cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán tại nhà. Năm 1916, ông ra Bắc, xuống Hải Phòng làm Thư ký cho công ty của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Năm 1918, ông vào làm việc cho tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Sau một thời gian, bất đồng ý kiến với Phạm Quỳnh, ông vào Sài Gòn viết cho tờ Lục tỉnh Tân Văn. Sau đó, lại trở ra Hà Nội viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh. Để rồi sau đó, lại trở vô lại Sài Gòn và tung hoành ngòi bút một cách mạnh mẽ chưa từng thấy trên một loạt những tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ như Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Trung Lập, Phụ Nữ Tân Văn từ các năm 1929 – 1931. Nhưng rồi người ta lại thấy ông ra Hà Nội làm Chủ bút tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Ông vào Huế và viết cho tờ Tràng An, rồi làm Chủ bút tờ Sông Hương. Đến năm 1939, người ta thấy Phan Khôi xuất hiện ở Sài Gòn, nhưng không phải để viết báo như những lần trước nữa mà là để dạy học.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông được mời ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị nhà văn hóa. Năm 1954, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông cũng từng tham gia làm giám khảo trong các giải văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Lê Minh Quốc quả quyết rằng: “Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu chỉ chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng trong thế kỷ XX, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là một hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại.” (4). Thật vậy, về phương diện báo chí, Phan Khôi là một nhà báo có lý luận sắc bén mang đậm nét tính cách lý sự của người Quảng Nam. Nhà báo đòi hỏi phải viết gãy gọn, tư tưởng rõ ràng mới thuyết phục người đọc. Phan Khôi có đầy đủ những điều đó. Nhà thơ Nguyễn Vỹ nhận xét rằng: “Phan Khôi nói thẳng thắn những điều ông suy nghĩ, viết thẳng thắn những lời ông nói. Cho nên tư tưởng của ông rất chân thật, văn của ông rất hấp dẫn, và ảnh hưởng sâu rộng trong giới thanh niên.” (5). Có thể nói chưa thấy có nhà báo nào của Việt Nam bạo dạn, sẵn sàng khởi xướng và tham gia vào nhiều cuộc tranh luận báo chí sắc bén như Phan Khôi, để lại tiếng vang lớn trên văn đàn báo chí nước nhà một thời như là một dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí người đọc. Có thể kể ra đây những cuộc tranh luận thú vị ấy như: Cuộc tranh luận với học giả Trần Trọng Kim về quyển Nho giáo; cuộc tranh luận với Phạm Quỳnh về Truyện Kiều; cuộc tranh luận với Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, với Nguyễn Tiến Lãng về các đề tài luân lý và đạo đức của người Việt.

Giáo sư Thanh Lãng có một nhận định về tài lý luận trong cách viết báo của Phan Khôi khá xác đáng như sau: “Lý luận rất rắn mà không đài các, đả kích đến nơi mà không kiêu căng, cho nên thường người bị đả kích không thể giận ông. Mà ông cũng chẳng để cho họ có thì giờ mà giận. Cái hồn nhiên của ông làm cho cả thù địch của ông nếu không ghét ông thì cũng nể ông.” (6).

Về phương diện văn chương, Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái Nho học. Quả thật vậy, Phan Khôi là nhà thơ được mệnh danh là người khởi xướng phong trào thơ mới, dù ông khiêm tốn không nhận điều đó. Với bài thơ Tình già (7) được đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, số ra ngày 10. 3. 1932, Phan Khôi đã đem một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (chữ của Phan Khôi) và gây nên một phong trào bàn tán về văn chương sôi nổi vô cùng thời bấy giờ. Tình Già đúng là một quả bom nổ giữa làng thơ Việt Nam vào thập niên ba mươi của thế kỷ 20. “Và Phan Khôi trở thành người cắt băng khai mạc thời đại mới trong thi ca.” (8) Chỉ với bài thơ nổi tiếng này thôi, Phan Khôi cũng đủ để xứng đáng là một thi nhân đích thực của nền thi ca hiện đại nước ta.

Gia sản văn chương của Phan Khôi để lại cho chúng ta (được in thành sách) dù không phải là nhiều lắm, nhưng cũng đủ để cho chúng ta đọc và khâm phục tài năng văn chương, báo chí của ông. Các tác phẩm của Phan Khôi được in thành sách gồm có: Bàn về tế giao (1918), Đô hạ tạp ký (1918), Chuyện các bậc tiền bối (1919), Học thuyết và đạo đức Khổng Phu Tử (1924), Giáo dục nghiên cứu (1919), Nam Âm thi thoại (1919), Tiếng An Nam Đàng Trong với Đàng Ngoài, Chương Dân thi thoại (1936) Trở vỏ lửa ra (1939), Việt ngữ nghiên cứu (1956), Tình già (thơ-1932), Tuyển tập Tiểu thuyết Lỗ Tấn (2 tập)… Ở đây, chỉ nói đến những tác phẩm của Phan Khôi đã được in thành sách thì không nhiều, nhưng nếu nói đến những bài viết, bài báo của Phan Khôi đã đăng ở các báo thì vô số kể, trong đó có rất nhiều bài hay, sâu sắc, đọc đáng đồng tiền bát gạo, nhất là những bài nghiên cứu về tiếng Việt, những bài phê bình văn học, học thuật, những bài tranh luận của ông với các nhà báo, nhà văn khác trên văn đàn thời bấy giờ.

Nhận xét về văn nghiệp của Phan Khôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng Phan Khôi “quả là người viết quốc ngữ đúng đắn hơn hết, yêu chữ quốc ngữ với tất cả sự từng trải của một người đã sống khắp ba kỳ, quen thuộc với những lối phát âm, với những thổ ngữ …” (9). Còn giáo sư Hoàng Tuệ thì viết rằng: “Phan Khôi là nhà văn hoá rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc.” (10). Nhà thơ Nguyễn Vỹ thì nhận xét về Phan Khôi là “một trong các nhân vật nổi tiếng nhất trên văn đàn Việt Nam với ngọn bút sắc sảo có một không hai… Chính ông là người đã mở ra một chân trời mới cho văn chương Việt Nam nói chung và Thơ mới nói riêng.” (11). Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng thì: “Sự nghiệp sáng tác và trước tác của Phan Khôi có một chỗ đứng vinh quang trong thời kỳ chữ Quốc ngữ bắt đầu có tư thế trên văn đàn Việt Nam.” (12).

Nói về Phan Khôi, cũng không thể không nhắc tới mấy câu thơ (có thể tạm gọi là như thế) được xem như là câu cửa miệng của Phan Khôi mỗi khi đứng trước những khó khăn, những bất trắc của đời sống, thể hiện được thái độ bình tĩnh, ung dung tự tại của mình. Có thể nói những câu thơ này của ông khắc hoạ được tính cách Quảng Nam của nhà thơ một cách khá rõ nét:

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.

Những câu thơ này được truyền tụng trong nhân dân rất rộng rãi và có khá nhiều người biết, thuộc lòng, chẳng khác nào như những câu ca dao vậy.

II. Phan Khôi – người có công lớn trong việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt cho người theo đạo Tin lành

Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã và đang sử dụng là bản dịnh xuất bản đầu tiên năm 1926 do Phan Khôi chủ bút. Gần một thế kỷ đã qua sử dụng cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến về sau nữa đã cho thấy sức sống của bản dịnh là rất cao. Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian? Theo Trần Mạnh Thường cho biết: “Ông lại ra Bắc ở Hội Tin Lành, ông chuyên dịch Kinh Thánh, chữ Nho ra Quốc ngữ, Ông dịch khá tốt. Làm được 1 năm, ông lại vào Nam kiếm việc.” (13) Bà Phan Thị Nga (vợ của nhà văn Hoài Thanh, đặc phái viên của báo Ngày nay do Nhất Linh chủ trương) cũng cho biết về Phan Khôi khi dịch Kinh Thánh cho Hội Tin Lành, “làm được một năm ông lại thôi.”. Nhà báo Vu Gia cho rằng chi tiết này không đúng, “vì với thời gian ấy, Phan Khôi không tài nào dịch xong bộ sách ấy” (14). Và ông qua sưu tầm tư liệu về Phan Khôi, thì phát hiện ra rằng “Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm”(15). Trên Phụ nữ Tân văn, số 74, ngày 16 – 10 – 1930, (sau khi Mục Sư W. C. Cadman, chủ nhiệm tờ Thánh Kinh báo lúc bấy giờ có gửi biếu Phan Khôi, khi báo ra số đầu tiên) Phan Khôi có viết bài “Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo”, trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà mục Sư Cadman đã gởi tặng tập báo này cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh thánh với ông trong 5 năm (1920-1925).”

Theo tư liệu cuốn Bước đầu tìm hiểu đạo Tin lành trên thế giới và Việt Nam của ông Nguyễn Thanh Xuân viết: “Từ năm 1919, sau khi dịch bảy sách trong Tân ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887 – 1960) dịch Cựu ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất.” (16) Như vậy, để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt toàn bộ cả Cựu ước và Tân ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất 5 năm dài có hơn. Thật là cả một công trình đáng trân trọng lắm vậy. Mục Sư Lê Hoàng Phu cho biết: “Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần này với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã ở với họ trong 10 năm. Họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả nhà truyền giáo Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội năm 1926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt Nam in xong, ông Phan Khôi nhận chức chủ nhiệm một tờ báo quan trọng “với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh”. Chẳng bao lâu sau đó Phan Khôi khởi xướng “phong trào Thơ mới” đã làm rung chuyển cả những truyền thống văn học từ bao thế kỷ ở trong nước và cũng phóng ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học. Giá trị của công việc ông về bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt Nam ưa thích.” (17)

Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, có một số người nhận xét rằng: Nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung, đây là bản dịch tốt. Nhưng nói như vậy, chẳng khác nào khen phò mã tốt áo, bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi.” (18). Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành , người ta bảo ông (Phan Khôi) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ” (19). Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc Phan Khôi dịch Kinh Thánh như sau: “Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm” (20).

Đó là nhận xét của một số người “ngoại đạo” có uy tín về bản Kinh Thánh xuất bản năm 1926 của người Tin Lành. Còn với những tín hữu Tin Lành Việt Nam mấy mươi năm qua cho đến ngày nay, thì sao? Tôi tin chắc rằng bản Kinh Thánh Việt ngữ xuất bản năm 1926 đã ăn sâu vào trong tâm khảm của những tín hữu Tin Lành tại Việt Nam, tôi được biết có nhiều tín hữu Tin Lành đã thuộc nằm lòng khá nhiều câu Kinh theo bản dịch ấy đến nỗi khó có thể thay đổi đi được trong tâm họ. Thậm chí có không ít những Mục Sư, tín hữu Tin Lành quả quyết rằng chỉ có bản dịch Kinh Thánh năm 1926 của nhà văn Phan Khôi là số một mà thôi, không bản dịch nào hơn cả và rồi họ chỉ dùng độc có bản dịch đó để đọc, để học, để chia sẻ, để giảng dạy. Nói như vậy để cho thấy rằng bản dịch Kinh Thánh năm 1926 đã có một chỗ đứng rất vững vàng trong lòng rất nhiều những người theo đạo Tin Lành tại Việt Nam trong một thế kỷ trôi qua. Ngoài nhà văn, dịch giả Phan Khôi ra, được biết còn có nhà văn, dịch giả Trần Văn Dõng, cũng có góp phần trong việc dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ nữa.
Nói tóm lại, mặc dù bản dịch năm 1926, cho đến nay có những chỗ chưa sát với nguyên bản, hay có những chữ khó hiểu cho thời đại ngày nay, như đã nói ở trên, thì nó vẫn là bản dịch rất đáng trân trọng cho chúng ta, nhất là trong không khí những tín hữu Tin Lành vừa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam vào giữa năm 2011. Tôi tin chắc rằng những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không biết ơn các bậc tiền bối đã có nhiều công lao cống hiến cho họ một bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt như đã có ngày nay, trong đó không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn, dịch giả Phan Khôi.

Phần mộ của nhà văn Phan Khôi đặt ở một chỗ thật nên thơ và được làm khá kỹ lưỡng và chắc chắn. Đó là song mộ của hai vợ chồng nhà văn. Trên bia đá hoa cương rất đẹp, một bên ghi tiểu sử của nhà văn, một bên ghi bài thơ “Tình Già” của ông. Phần cuối tiểu sử có ghi: “Tác phẩm đã viết và dịch: Chương Dân Thi Thoại (1936), Trở Vỏ Lửa Ra (1939), Việt Ngữ Nghiên Cứu (1955), Kinh Thánh (1920-1925), các tuyển tập Lỗ Tấn (1955, 1956, 1957)…” . Những đóng góp của Phan Khôi cho nền văn chương nước ta quả là không nhỏ, trong đó có bản dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ của ông là một đóng góp khá xuất sắc. Thế nhưng hiện nay ở vùng Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng và cả nước, nói chung vẫn chưa có một con đường mang tên Phan Khôi. Mong rằng trong tương lai gần đây, sẽ có con đường mang tên Phan Khôi ở trên đường phố của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng và một số nơi trên cả nước để ghi nhận công lao đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc.

Thanh Long

* Chú thích:
(1): Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ Cha Tôi – Phan Khôi, NXB. Đà Nẵng, 2001, Trang. 55.
(2): Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB. Văn Học, Trang. 366.
(3): Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, NXB. Đà Nẵng, 2007, Trang. 272.
(4): Lê Minh Quốc, sđd, Trang. 270.
(5): Nguyễn Vỹ, sđd, Trang. 376.
(6): Vu Gia, Phan Khôi – Tiếng Việt, Báo Chí và Thơ Mới, NXB. Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, 2003, Trang. 564.
(7):Bài thơ nầy đã được khắc trên bia mộ của ông tại xứ Cửa Truông, Thôn Tân Phong, Xã Duy Châu, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam và cũng đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành nhạc. Chúng tôi xin trích lại bài thơ nầy để bạn đọc cùng tham khảo.
(8): Vu Gia, sđd, Trang. 544.
(9): Vu Gia, sđd, Trang. 530.
(10): Phan Thị Mỹ Khanh, sđd, Trang. 133.
(11): Nguyễn Vỹ, sđd, Trang. 367.
(12): Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam – Đất Nước và Nhân Vật, I. II, NXB. Văn Hoá Thông Tin, Trang. 604.
(13): Trần Mạnh Thường, Từ Điển Tác Gia Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, NXB. Hội Nhà Văn, 2003, Trang. 874.
(14): Vu Gia, sđd, Trang. 52.
(15): Vu Gia, sđd, Trang. 380, 381.
(16): Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu Tìm Hiểu Đạo Tin Lành Trên Thế Giới Và Ở Việt Nam (lưu hành nội bộ), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, p. 373.
(17): Mục Sư Lê Hoàng Phu, PH. D, Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, 1911-1965, p. 111.
(18): Vu Gia, sđd, Trang. 390.
(19): Vu Gia, sđd, Trang. 384.
(20): Lê Minh Quốc, sđd, Trang. 273.
(21): Vu Gia, sđd, Trang. 382.