‘Hiệu ứng bầy đàn’ hay ‘tâm lý đám đông’?

“Hiệu ứng bầy đàn” chỉ những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.

0
1061

“Hiệu ứng bầy đàn”
Bầy đàn có tính rất tản mạn, bình thường khi ở bên nhau, động vật thường xuyên chen lấn, xô đẩy, nhưng khi “con đầu đàn” hành động, các “con khác” cũng không suy nghĩ mà hùa theo ngay, bất chấp phía trước có thể có “sói” đang rình rập. Chính vì vậy, “hiệu ứng bầy đàn” là thuật ngữ được dùng để chỉ tâm lý hùa theo đám đông, tâm lý đám đông rất dễ dẫn đến mù quáng khiến người ta bị rơi vào những trò lừa bịp hoặc gặp thất bại.

Khó tin, nhưng…
Người ta đã từng làm một thí nghiệm như sau: Đặt một cây gậy nằm ngang trước một đàn dê, con dê đầu đàn nhảy qua, con dê thứ 2, thứ 3 cũng bắt chước nhảy qua. Sau đó người ta liền bỏ cây gậy đi, khi qua đây những con dê phía sau vẫn có động tác nhảy lên giống như những con dê đi trước, mặc dù cây gậy chặn đường không còn nằm ở đó. Đây chính là “hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông”. Nhà sinh vật học người Pháp Henri Fabre đã từng làm một thí nghiệm với sâu róm, ông đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó Henri Fabre rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Chúng đi liền 7 ngày 7 đêm, và rồi đàn sâu róm đã chết dần do mệt và đói. Một điều đáng thương là, chỉ cần một con sâu róm trong đàn thay đổi một chút lộ trình là có thể ăn được lá thông ở ngay bên cạnh.

Vì sao nảy sinh “hiệu ứng bầy đàn”?
“Hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông” là một hiện tượng thường gặp trong hoạt động thị trường của nhiều doanh nghiệp. Do không nắm bắt được đầy đủ thông tin, nhà đầu tư rất khó đưa ra lời dự đoán hợp lý về tính bất xác định của thị trường trong tương lai. Chính vì thế, họ thường thông qua việc quan sát hành vi của mọi người xung quanh để chắt lọc thông tin, vì luồng thông tin này được “truyền thông” liên tục; thông tin được mọi người nắm bắt về cơ bản là giống nhau, từ đó nảy sinh hành vi a dua theo đám đông.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào, báo chí đóng vai trò là nhân tố kích động cho “hiệu ứng bầy đàn”. Một luồng thông tin sau khi đã được đăng trên báo sẽ trở thành thực tế được công nhận: một quan điểm sau khi được đưa lên truyền hình có thể biến thành dân ý. Biểu tình, vận động tranh cử… đều là những hoạt động dựa vào “Hiệu ứng bầy đàn”.

“Hiệu ứng bầy đàn” trong cuộc sống
Có một câu chuyện vui như thế này: Có 1 “ông trùm” dầu mỏ lên thiên đường tham gia một hội nghị, vừa bước vào phòng hội nghị, phát hiện ra không còn chỗ trống nào nữa, “ông trùm” này liền nảy ra một kế, hét lớn một câu: “Địa ngục phát hiện ra dầu mỏ rồi!”. Và thế là tất cả các “ông trùm” dầu mỏ trên thiên đường bèn thi nhau chạy xuống địa ngục, chẳng mấy chốc trên thiên đường chỉ còn lại “ông trùm” đến cuối cùng. Lúc này “ông trùm” đến cuối cùng liền nghĩ, mọi người đã chạy đi hết rồi, có khi địa ngục phát hiện ra dầu mỏ thật chăng? Và thế là ông ta cũng vội vàng chạy về phía địa ngục.

Câu chuyện này cho thấy, có nhiều lúc chúng ta buộc phải từ bỏ cá tính của mình để chạy theo phong trào, bởi mỗi chúng ta không thể hiểu được tường tận mọi sự việc, đối với những sự việc không hiểu, không chắc chắn, chúng ta thường “chạy theo phong trào”. Người dân bình thường trong thị trường, thường dễ để mất đi khả năng phán đoán cơ bản. Những lúc như thế ánh mắt của mọi người thường đổ dồn về phía các phương tiện truyền thông để tìm kiếm sự tư vấn, mong muốn thông qua đó có được căn cứ phán đoán. Tuy nhiên, nhân viên làm việc trong các phương tiện truyền thông cũng là người bình thường, chính vì vậy, thu thập thông tin và phán đoán một cách nhạy bén là phương pháp tốt nhất có thể giúp người ta giảm thiểu những hành vi mù quáng. Lợi dụng và định hướng một cách hợp lý hành vi bầy đàn, có thể tạo nên thương hiệu cho khu vực và hình thành nên hiệu ứng quy mô, từ đó đạt được hiệu quả khá tốt. Tìm kiếm “con dê đầu đàn” tốt là yếu tố then chốt để lợi dụng hiệu ứng bầy đàn.

Đối với cá nhân, việc chạy theo người khác sẽ khó tránh khỏi cảnh ngộ bị “nuốt chửng” hoặc bị “loại bỏ”. Điều quan trọng nhất, phải có ý tưởng của mình, không đi con đường bình thường mới là con đường tắt để bạn trở nên xuất chúng. Dù là gia nhập một tổ chức hay tự mình lập nghiệp, giữ vững ý thức sáng tạo và khả năng tư duy độc lập là những yếu tố then chốt giúp bạn gặt hái được những thành công.

“Hiệu ứng bầy đàn” trong thị trường việc làm

Ở những ngành nghề “hot”, cạnh tranh gay gắt, rất dễ nảy sinh “hiệu ứng bầy đàn”. Khi thấy một công ty làm ăn gì đó kiếm được tiền, các công ty khác liền hùa làm theo mãi cho đến khi cung vượt quá cầu, thị trường bão hoà, quan hệ cung – cầu mất cân bằng. Mọi người đều thích mô phỏng hành vi của “con dê đầu đàn”, đôi khi khó tránh khỏi việc thiếu tầm mắt chiến lược lâu dài.

Đối với các bạn trẻ đang trong độ tuổi xin việc, cũng thường hay xuất hiện “hiệu ứng bầy đàn” làm ngành IT (công nghệ thông tin) kiếm được nhiều tiền, mọi người đều lao vào học ngành IT. Học tài chính, ngân hàng dễ xin việc, mọi người liền đổ xô đi học kinh tế, tài chính…

“Hiệu ứng bầy đàn” trên thị trường chứng khoán

“Hiệu ứng bầy đàn” xuất hiện trong tất cả thị trường chứng khoán thế giới, chứ không riêng gì ở quốc gia nào. Trong thị trường tư bản, “hiệu ứng bầy đàn” dùng để chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư, nhà đầu tư riêng lẻ thường dựa vào hành động của các nhà đầu tư khác để hành động. Khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra. Tâm lý đám đông cũng ồ ạt chạy theo một hướng và xuất hiện trong hai trường hợp: Một là, các nhà đầu tư quá hưng phấn; hai là các nhà đầu tư quá sợ hãi. cả hai trường hợp trên đều nguy hiểm như nhau. Quá hưng phấn sẽ dễ tạo ra giá ảo, không thực chất, còn quá sợ hãi thì bán tháo tất cả để “cắt lỗ”. Thậm chí nhiều khi “cắt lỗ” cả nhưng mã cổ phiếu tốt, có cơ hội hồi phục trong tương lai.

Khi thị trường có những biến động mạnh, để không bị cuốn vào cơn hoảng loạn, nhà đầu tư phải tự tìm cho mình lối đi riêng, tránh phụ thuộc vào tâm lý đám đông.

“Hiệu ứng bầy đàn” và Marketing

Có thể nói, “hiệu ứng bầy đàn” là một kỹ xảo khá tốt có thể áp dụng trong lĩnh vực marketing. Nó dùng để chỉ nhân viên tiếp thị ứng dụng khéo léo tâm lý chạy theo đám đông của khách hàng, để xoá bỏ mọi nghi ngờ, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết sách. Cách này thích hợp với tất cả những người có tâm lý chạy theo đám đông.

Ưu điểm

  • Xoá bỏ sự nghi ngờ, lo ngại của khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn;
  • Có thể khiến khách hàng nảy sinh tâm lý cấp bách, tức người khác đã mua rồi, chúng ta không mua sẽ rất phí;
  • Lôi kéo những người khác cùng mua, tạo nên phản ứng dây chuyền.

Nhược điểm

Có thể khiến khách hàng mua sản phẩm một cách mù quáng, chỉ vì thấy nhiều người mua mà coi nhẹ việc nghiên cứu bản thân sản phẩm. Hành vi mua này rất dễ khiến khách hàng cảm thấy hối hận sau khi bình tĩnh trở lại, điều này khó tránh khỏi việc gây ra những rắc rối không cần thiết cho công ty và nhân viên tiếp thị.