Lòng Tự Trắc Ẩn Là Gì Và Nó Quan Trọng Như Thế Nào?

Khi bạn có lòng trắc ẩn với người khác, bạn cảm nhận được nỗi đau của họ và điều đó thôi thúc bạn muốn giúp đỡ người đó. Có lòng trắc ẩn cũng có nghĩa bạn dành sự thấu hiểu và tử tế khi thấy người đó gặp thất bại hay đau khổ. Điều này khác hẳn với thương hại, vì bạn nhận ra rằng đau đớn, hối tiếc, khuyết điểm hay thất bại đều là một phần của cuộc đời. Bởi có ai trên thế giới này là hoàn hảo đâu?

0
500

Hãy nhớ về một sai lầm bạn đã phạm phải trong quá khứ, lúc ấy bạn cảm thấy thế nào? Và bây giờ thì sao? Bạn có cảm thấy xấu hổ, buồn bã, tự trách hay giận dữ với bản thân hay không?

Giờ hãy thử nghĩ đến nếu người bạn thương (là người thân hay bạn bè) rơi vào tình cảnh tương tự, bạn sẽ nói gì với họ? Dù là gì thì mình đoán chắc bạn sẽ không nói với họ những câu như “Tại sao cậu ngu thế?”, “Mình thật thất vọng về cậu!” hay “Cậu chẳng làm gì ra hồn cả” hoặc “Mày đúng là kẻ thất bại”.

Bạn có nhận thấy sự khác biệt không?

Chúng ta biết rằng mình không nên nói những lời đó với người mình quan tâm vì nó sẽ khiến họ càng cảm thấy tồi tệ hơn. Thế nhưng chúng ta lại có thể dùng những từ ngữ tệ hại nhất để chỉ trích bản thân mình.

Trong thời đại công nghệ thông tin với mạng xã hội phổ biến khắp mọi nơi, khi những hành động, suy nghĩ của một người dễ dàng bị săm soi, mổ xẻ dưới lăng kính hiển vi thì chúng ta càng dễ mất niềm tin vào bản thân mình. Do đó, lòng tự trắc ẩn (self-compasstion) càng trở nên quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Vậy thì lòng tự trắc ẩn là gì?

Khi bạn có lòng trắc ẩn với người khác, bạn cảm nhận được nỗi đau của họ và điều đó thôi thúc bạn muốn giúp đỡ người đó. Có lòng trắc ẩn cũng có nghĩa bạn dành sự thấu hiểu và tử tế khi thấy người đó gặp thất bại hay đau khổ. Điều này khác hẳn với thương hại, vì bạn nhận ra rằng đau đớn, hối tiếc, khuyết điểm hay thất bại đều là một phần của cuộc đời. Bởi có ai trên thế giới này là hoàn hảo đâu?

Tự trắc ẩn với bản thân cũng tương tự như thế. Khi bạn gặp trắc trở hay có chuyện gì đó xảy ra không như ý muốn, thay vì chỉ trích thì hãy chấp nhận đó là một phần trải nghiệm của cuộc sống, rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng thuận lợi cả. Sẽ có lúc bạn vấp phải chướng ngại, và có thể đó là lúc này. Hãy bao dung lấy lỗi lầm của mình như cách bạn làm với người thương khi họ phạm phải sai sót.

Những hiểu lầm xoay quanh lòng tự trắc ẩn

Đọc đến đây có bạn sẽ thắc mắc rằng làm như thế có đồng nghĩa với việc dễ dãi, buông thả hay thương hại bản thân không? Câu trả lời là không. Hoàn toàn ngược lại. Tự trắc ẩn kéo chúng ta ra khỏi những cảm xúc tiêu cực hủy hoại hủy hoại sự tự tin. Nó giúp cho chúng ta có một cái nhìn “công bằng” hơn với bản thân và hướng ta đi về phía trước thay vì đắm chìm trong suy nghĩ “mình thật đáng thương” hay hối tiếc hoặc ân hận. Có vài nghiên cứu đã chỉ ra những người có lòng trắc ẩn tự thân có lối sống lành mạnh hơn như thường tập thể dục, ăn uống điều độ, ít rượu bia và quan tâm đến sức khỏe bản thân nhiều hơn.

Một câu hỏi thường thấy khác khi nói về lòng tự trắc ẩn là liệu đây có phải cái cớ để bao biện khi bản thân mắc phải lỗi lầm hay không. Nhiều người cho rằng nghiêm khắc, chỉ trích bản thân mới khiến chúng ta trở nên tốt hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra kết quả hoàn toàn ngược lại. Những người có lòng tự trắc ẩn thường tự nhận trách nhiệm khi bản thân lỡ làm tổn thương người khác và chủ động nhận lỗi. Ngoài ra, lòng tự trắc ẩn còn tăng làm động lực khiến họ sửa chữa lỗi lầm; ví dụ như học hành chăm chỉ hơn sau khi rớt bài thi quan trọng hay bù đắp sai lầm. Mỗi chúng ta đều có cơ chế bảo vệ tâm lý cho riêng mình, và khi đối mặt với những chỉ trích, dù là đến từ bên ngoài hay từ bản thân mình, các cơ chế này sẽ được kích hoạt. Đó có thể là giận dữ, xấu hổ, lảng tránh, hay chối bỏ. Vì thế cho nên tự chỉ trích quá nhiều thường mang đến những kết quả tồi tệ như gia tăng áp lực lên bản thân, lơ là, hay nhấn bản thân vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, khi bạn bao dung với những lỗi lầm của mình, bạn sẽ có dũng khí nhìn nhận nó hơn. Tương tự như một môi trường làm việc lành mạnh và hỗ trợ sẽ giúp bạn dễ nhận ra sai lầm và sửa chữa chúng hơn là một môi trường khắc nghiệt và chỉ trích. Và chỉ khi nào bạn có thể nhìn thẳng vào lỗi lầm, bạn mới biết được mình sai ở chỗ nào và nên làm gì để tránh nó. Đó là cốt lõi mà lòng tự trắc ẩn hướng tới.

Làm sao để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn tự thân đây? Chúng ta có thể tôi luyện lòng tự trắc ẩn bằng nhiều cách. BMVN xin bật mí là sắp tới chúng mình sẽ có một hoạt động liên quan đến chủ đề này. Các bạn nhớ đón theo dõi trên page nhé!

Thân mến,

BMVN Team

Nguồn tham khảo:
Khazan O. Kristin Neff argues self compassion works better than self esteem. The Atlantic. Published May 6, 2016. Accessed May 7, 2022. https://www.theatlantic.com/health/archive/2016/05/why-self-compassion-works-better-than-self-esteem/481473/

Robson D. Why self-compassion – not self-esteem – leads to success. BBC Worklife. https://www.bbc.com/worklife/article/20210111-why-self-compassion-not-self-esteem-leads-to-success. Published January 13, 2021. Accessed May 7, 2022.

Breines JG, Chen S. Self-compassion increases self-improvement motivation. Pers Soc Psychol Bull. 2012;38(9):1133-1143. doi:10.1177/0146167212445599