Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

0
1416
Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Lời giới thiệu
Công tác Truyền giáo thế giới Thế kỷ 21 được đánh dấu bằng sự kiện “Hội nghị Amsterdam năm 2000.” Tại hội nghị này, Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã gửi đến con dân Chúa sứ điệp truyền giáo mạnh mẽ và sâu sắc như là lời tâm tình về khải tượng truyền giáo trao gửi lại cho thế hệ kế tục chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ bài giảng được xức dầu này vẫn còn ích lợi cho tôi con Chúa và Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Nhân ngày Truyền giáo của Hội Thánh chung, chúng tôi xin được dịch và giới thiệu cùng quý tôi con Cha. (TP)

Hân hoan chào mừng quý vị trong Danh Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta!
Tôi xin hoan nghênh quý vị đã đến đây tham dự lễ khai mạc Hội nghị Amsterdam 2000 tối nay.

Chúng ta từ hơn 185 quốc gia, lãnh thổ, khu vực trên thế giới đã họp nhau tại Amsterdam này. Một số quý vị đã vượt qua chặng đường hàng ngàn dặm, chịu nhiều hy sinh để đến với hội nghị này. Chúng ta không phải chỉ đến từ những vùng đất khác nhau trên trái đất, nhưng cũng đến từ những nền văn hóa dân tộc và hệ phái khác nhau nữa. Thật vậy, thiết tưởng chưa có một cuộc hội họp rộng lớn như thế này trong Hội Thánh của Chúa Giê-xu từ trước đến nay. Phần lớn quý vị sẽ không có cơ hội nào khác để có thể từ phương trời này thông công với anh chị em trong Chúa từ khắp nơi trên trái đất như thế này. Ước mong mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy vui thỏa suốt những ngày chúng ta cùng nhau học hỏi những gì Đức Chúa Trời đang làm trên thế giới. Nguyện Chúa dùng mối thông công này để khích lệ và giục giã mỗi lòng chúng ta.

Nhưng tại sao chúng ta lại ở đây, trong thành phố xinh đẹp này? Chúng ta đã dự tính, quyết định, ra đi và chịu nhiều phí tổn để đến Amsterdam 2000 nhằm mục đích gì? Hay nói một cách khác, tại sao Đức Chúa Trời họp nhau chúng ta tại đây? Ngài muốn thực hiện điều gì trên mỗi người chúng ta trong những ngày này? Tôi tin rằng chúng ta đã đến đây do ý muốn thiên thượng. Lời cầu nguyện của tôi và cũng là lời cầu nguyện khẩn thiết của quý vị, đó là mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên mỗi đời sống chúng ta.

Tôi mong rằng quý vị đến đây chỉ với một mục đích chính: khám phá ra một phương cách thật hiệu quả cho công tác mở mang Nước Trời trên đất. Đây là lý do chủ yếu để chúng ta tồn tại với tư cách là những người phục vụ Đấng Christ. Xin đừng để ý đến những khác nhau về bối cảnh, vì chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Đấng Christ, trong sự cam kết truyền bá Phúc Âm cho đến cùng trái đất. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều ấy? Chúng ta nên tìm kiếm điều gì trong suốt những ngày tham dự hội nghị này? Chúng ta hãy quay lại và tìm kiếm Lời của Đức Chúa Trời để khám phá ra những nguyên tắc mà chúng ta phải theo nhằm áp dụng trong thời đại mình.

Có lẽ không có chương Kinh Thánh nào lại dạy dỗ về chủ đề này nhiều hơn các chương mở đầu của sách Công Vụ, nó ghi lại những ngày đầu tiên của Hội Thánh Đấng Christ. Những chương này cần được nghiên cứu cẩn thận dù ở đây tôi chỉ lướt qua thôi. Những nguyên tắc xoay quanh thời kỳ sôi động này dạy chúng ta phương cách mà Đức Thánh Linh sử dụng để truyền bá Phúc Âm trong nền văn hóa và thời đại của chúng ta.

Tôi suy nghĩ và rút ra từ các chương đầu của sách Công Vụ bốn mục đích mà tôi tin rằng quý vị nên cố gắng đạt được trong kỳ hội nghị. Mặc dù tôi sẽ không tham dự hết các buổi nhóm của hội nghị này, nhưng tôi và quý vị hiệp một với nhau trong lời cầu nguyện. Vì thế xin cho phép tôi được nói như tôi đang hiện diện với quý vị, vì tâm linh tôi đang ở với quý vị.

Trước hết, hãy tái khẳng định sự cam kết của chúng ta đối với chân lý Phúc âm.

Một vài nguời trong quý vị đến từ những nơi đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tôn giáo hay các hệ tư tưởng chối bỏ những chân lý cốt lõi của Phúc âm. Một số quý vị đang phải đối diện với sự bành trướng của chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa duy vật luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ hay thậm chí thù địch đối với Phúc âm nữa. Hoặc có thể quý vị đang sống giữa xã hội hậu hiện đại, họ phủ nhận tất cả dù đó là chân lý đi nữa.

Dù quý vị đang sống trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, có một điều hoàn toàn rõ ràng đối với Cơ Đốc nhân đầu tiên, đó là họ biết rõ Phúc âm là gì và họ cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho những điều họ đã tin chắc là chân lý. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ tuần cũng đã cất tiếng lên rằng: “Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu này mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ”(Công Vụ 2:36). Sau đó ít lâu ông cũng đã đứng trước Hôi đồng công luận, tuyên bố cách mạnh mẽ rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).
Trước tiên, các môn đồ cũng đã ở trong mối hiểm nguy của sự hiểu lầm Phúc âm. Bốn mươi ngày sau khi Đấng Christ phục sinh, họ nhóm lại với Chúa Giê-xu trên đỉnh núi Ô-li-ve, ngay trước khi Ngài thăng thiên về cùng Đức Chúa Trời. Họ đã nói rằng: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công Vụ 1:6). Mắt họ phải được mở ra để nhìn thấy trước vấn đề. Đây là thời điểm mà họ đang chờ đợi, thời điểm mà Đấng Mê-si-a sẽ bẻ gãy cái ách bạo ngược của người La Mã và đưa dân Y-sơ-ra-ên vùng lên. Nhưng điều thắc mắc đó đã bị lệch lạc. Quan điểm của họ về vương quốc của Đấng Christ chỉ là vấn đề chính trị và có tính chất trần thế này bị giới hạn trong một lãnh vực và hoàn toàn mất đi những khía cạnh sâu xa hơn của thập tự giá và sự phục sinh.

Chúa lập tức sửa sai họ: “Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công Vụ 1:7). Ánh mắt háo hức của họ có lẽ đã sụp xuống sau những lời nói này. Nhưng một sự rung động mới đã lấp đầy trái tim họ, tấm lòng họ khi Chúa Giê-xu tuyên bố về ngày Chúa trở lại, “các ngươi sẽ làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Trong lời tuyên bố đó, Chúa Giê-xu đã bày tỏ trực tiếp cho Hội Thánh một mệnh lệnh mạnh mẽ và một chương trình hành động. Quả thật đó là một nhiệm vụ phi thường: Truyền bá Phúc âm toàn cầu! Chúng ta ngày nay cũng phải đem Phúc âm đến mọi nơi trên khắp trái đất.
Nhưng còn một điều chắc chắn nếu chúng ta muốn thấy công tác này hoàn thành, là chúng ta phải nắm chặt lấy bản chất của Phúc âm, đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16)

Như vậy, Phúc âm là gì? Hãy xem xét lại những lời mà Phi-e-rơ đã rao giảng trong ngày lễ Ngũ tuần, hay ở những bài giảng khác được ghi trong sách Công Vụ. Hoặc xem những gì Phao-lô đã viết cho người Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy,… Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:1, 3-4).

Phúc âm không tập trung vào những chương trình hay cách thức chúng ta thờ phượng, hoặc là những đặc thù của hệ phái chúng ta. Phúc âm đặt trọng tâm vào Chúa Giê-xu Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để cứu vớt chúng ta. Phúc âm bảo đảm rằng đời sống chúng ta sẽ được thay đổi khi chúng ta nương dựa vào Đấng Christ trong sự ăn năn, đức tin và sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh. Nhờ Phúc âm chúng ta được tha thứ các tội lỗi mình và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời , trở nên thành viên trong gia đình Ngài mãi mãi. Đó là Phúc âm!

“Tin Lành của Chúa Giê-xu Christ là tin tức, tin tức tốt lành: tin tức tốt đẹp và quan trọng nhất mà mọi người từng nghe”. Các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu tất cả những điểm trên cách rõ ràng và đầy quyền năng. Đó cũng là thông điệp của các nhà truyền giáo ngày nay nữa, dù mang tính chất cá nhân hay trên bục giảng. Một khi Phúc âm được công bố cách trung thành và đầy đủ, chúng ta sẽ khám phá được quyền năng trong đó. Chúng ta phải rao giảng toàn bộ Phúc âm, không phải là lặp lại những lời nói sáo rỗng, rập khuôn hay những lời giáo huấn đạo đức. Điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải truyền giảng đó là chân lý Phúc âm như Ngài đã bày tỏ cho chúng ta qua lời Ngài, là quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là nguồn của sứ điệp chúng ta và chúng ta phải rao giảng trung thực, không thêm không bớt sứ điệp Thánh Kinh về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ vì chúng ta.

Đó là lý do tại sao trong các chiến dịch truyền giảng tôi luôn luôn giảng ít nhất là một bài giảng dựa vào Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Đúng vậy, trong những ngày này chúng ta hãy tái khẳng định chân lý Phúc âm.

Thứ hai, hãy tái khẳng định sự ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm.
Nếu Phúc âm là chân lý thì việc rao truyền nó cho mọi người phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong đời sống và chức vụ của chúng ta.

Một điều trở nên rất hiển nhiên, rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu các chương đầu của sách Công Vụ (và cả phần còn lại của Tân Ước nữa): Hội Thánh đầu tiên đã dành ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Khi phải đối mặt với sự bắt bớ họ đã cầu xin, “Này, xin Chúa hãy xem xét sự họ ngăm dọa và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ” (Công Vụ 4:29). Khi bị cấm rao giảng, Phi-e-rơ đã trả lời, “Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ 4: 20). Một trong những lời cầu nguyện thường xuyên của tôi cho hội nghị này là xin Chúa cho Hội Thánh toàn cầu đặt ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Đôi khi chúng ta quên mất điều đó. Hội Thánh thực hiện việc này chỉ trong một thế hệ rồi sau đó mất hẳn. Thế giới cần được truyền giảng trong mọi thế hệ.

Tất nhiên chinh phục những người bị hư mất cho Đấng Christ không phải bao gồm mọi chuyện mà Hội Thánh được kêu gọi phải làm. Chúng ta được kêu gọi môn đệ hóa như Chúa Giê-xu đã phán qua việc “dạy cho họ giữ hết cả những điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20). Chúng ta cũng được kêu gọi để thờ phượng và cầu nguyện, được kêu gọi để làm công tác từ thiện trong thế giới chúng ta. Chúng ta phải tham gia vào nhiều công tác giúp đỡ gia đình, giáo dục, xã hội. Tuy nhiên, công tác truyền bá Phúc âm phải được đặt ưu tiên hàng đầu. Nó không giải quyết được tất cả mọi nan đề, nhưng nó vẫn phải là việc ưu tiên của chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời sẽ dùng kỳ hội nghị này để tái khẳng định sự ưu tiên cho việc truyền bá Phúc âm trong đời sống chúng ta và trong các Hội Thánh của chúng ta.

Vì lẽ gì mà việc truyền giảng Tin Lành phải là điều ưu tiên của chúng ta? Nó không đơn thuần chỉ là một công tác được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhưng bởi vì sự hư mất và sự tuyệt vọng mà chúng ta đang nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế giới của chúng ta đang ở trong sự kềm kẹp của Sa-tan, chúa tể của sự gian dối, lừa lọc. Chính vì chúng ta đang sống trong một hành tinh bị bóp méo và làm cho sai lạc bởi tội lỗi. Nhân loại đang ở trong tình trạng nổi loạn chống lại Đấng Tạo Hóa và không còn cách nào khác hơn là hòa thuận lại với Ngài. Quý vị đã nhìn thấy những điều đó chung quanh mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà theo như Ê-phê-sô 2:2 là “không có hy vọng và không có Đức Chúa Trời”.

Chúng ta có nhìn thấy tha nhân như cách Đức Chúa Trời nhìn thấy không? Việc yêu thương mà chúng ta có thể làm cho tha nhân là đem họ đến với Chúa Giê-xu Christ. Đấng duy nhất là “đường đi, lẽ thật và sự sống”(Giăng 14:6).

Dù vậy, công tác làm chứng không phải là một việc dễ dàng. Truyền bá Phúc âm thật sự thường diễn ra trong tình cảnh phải chịu nhiều hy sinh và đau khổ. Một số quý vị đến từ những nước rất khó khăn và có lẽ quý vị kinh nghiệm điều đó hơn tôi nhiều. Nhưng xin đừng bao giờ quên: Đấng Christ đã từ thiên đàng xuống nơi bần hàn nhất, Ngài sẵn sàng chịu hy sinh đến mức cùng cực nhất vì Ngài yêu chúng ta. Nguyện tình yêu ấy cũng chan chứa trong lòng chúng ta và khiến chúng ta ra đi chia sẻ cho người khác về Phúc âm biến đổi cuộc đời của Đấng Christ. Mong rằng đây sẽ là điều chúng ta dành ưu tiên sau khi rời Amsterdam này.

Thứ ba, chúng ta hãy tái khẳng định sự nương cậy nơi sự cầu nguyện và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Hội Thánh đầu tiên được sinh ra trong môi trường cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy điều này trong những ngày các môn đồ ở trên phòng cao, “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện” (Công Vụ 1:14).Tiếp theo những ngày sau lễ Ngũ tuần, Kinh Thánh chép, “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện,… Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công Vụ 2:42, 47). Khi đối mặt với chống đối, họ cầu nguyện. Kinh Thánh chép rằng: “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ”(Công Vụ 4:31).

Nguồn động lực trong công cuộc truyền bá Phúc âm là gì? Nó không xuất phát từ các chương trình hay các tổ chức, nó không phụ thuộc vào kỹ thuật tối tân.

Khi tôi chào thăm quý vị ở tại trung tâm RF I – Amsterdam, quý vị có thể nhìn thấy tôi và tôi có thể nhìn thấy quý vị nhờ kỹ thuật tuyệt vời của truyền hình và vệ tinh. Nhưng, sức mạnh trong công tác truyền giảng không phải nhờ vào kỹ thuật. Nó chỉ đến từ Đức Chúa Trời. Chỉ duy nhất Đức Thánh Linh mới có thể đập vỡ những tấm lòng bằng đá của con người, mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy chân lý Phúc âm. Lời cuối cùng Đức Chúa Giê-xu phán với các môn đồ của Ngài khi thăng thiên còn ghi khắc trong lòng và trí chúng ta: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8).

Có nhiều điều tôi không hiểu hết về sự cầu nguyện – cũng như có nhiều điều tôi không hiểu hết về công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh. Nhưng tôi biết hai điều này liên quan mật thiết với nhau. Nhờ sự cầu nguyện chúng ta tuyên bố mình lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, và nhờ sự cầu nguyện Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh trên chúng ta và trên công tác của chúng ta. Những lúc gặp căng thẳng thì cầu nguyện là nền tảng cho những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Sự cầu thay xóa tan ưu sầu, làm bật lên những khúc ca thiên thượng. Tôi thường được hỏi rằng bí quyết để thành công trong việc rao giảng Phúc âm là gì, và tôi trả lời rằng nó gồm có ba yếu tố: cầu nguyện… cầu nguyện… và cầu nguyện!

Giống như chúng ta nhờ sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ để được sự sống đời đời, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh đã ban xuống trong ngày lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm sự đổ đầy Đức Thánh Linh thường xuyên mà hễ ai tin thì nhận được. Xin đừng nhầm lẫn: mặc dù các tín hữu có Đức Thánh Linh nhưng không phải tất cả đều kinh nghiệm sự đầy dẫy quyền năng của Ngài. Chỉ quyền năng của Ngài mới ban sức mạnh để làm cho chức vụ hiệu quả. Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là đầy dẫy quyền năng trong chức vụ. Không có Đức Thánh Linh thì không có quyền năng, không kết quả, không có sự sống, không có gì cả!

Tình yêu, sức mạnh, sự rao giảng Phúc âm và sự năng động thuộc linh xuất phát từ đâu? Nó xuất phát chỉ từ một nguồn duy nhất: Đó sự hiện diện mạnh mẽ của Thánh Linh Đức Chúa Trời khi Ngài ngự trị và chiếm hữu đời sống chúng ta. Việc này sẽ xảy ra như thế nào? Nó xảy ra khi chúng ta quy phục Đức Chúa Giê-xu Christ, hằng ngày ăn năn về tội lỗi mình, tìm kiếm quyền năng Ngài để trở nên càng giống Christ trong sự thánh khiết và tình yêu. Có tội lỗi nào kín giấu trong đời sống quý vị ngăn trở sự hiệu quả của chức vụ quý vị không?

Khi chúng ta rao giảng Phúc âm, Đức Thánh Linh hành động và chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là lý do tại sao khi rao giảng, tôi luôn trích chính xác từng lời trong Kinh Thánh. Đối với tôi những lời bảo đảm chắc chắn nhất được tìm thấy trong Ê-sai: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời, và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ… lời nói của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn đều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:10-11). Phao-lô cũng đã nói: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:4-5).
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn thêm vào điều tôi tìm thấy trong khi tôi giảng, đó là có sự khác nhau giữa sự tự do và quyền năng. Thật là một cảm xúc tuyệt vời khi có sự tự do trong khi giảng. Nhưng đôi lúc tôi cảm nhận được quyền năng lớn lao khi tôi có ít sự tự do khi rao giảng. Đó là do Đức Chúa Trời hành động qua Thánh Linh Ngài dù tôi có cảm giác hay xúc động ra sao.

Cuối cùng, hãy tái khẳng định tận dụng hết mọi phương tiện Đức Chúa Trời ban cho để công bố Phúc âm.

Hội Thánh đầu tiên đã không nhờ vào kỹ thuật tiến bộ, nhưng họ dùng mọi phương pháp, mọi phương tiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh ghi lại: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu, tức là Đấng Christ” (Công Vụ 5:42)

Một vài người mới đây nhắc lại với tôi rằng, khi chúng ta tổ chức một hội nghị như thế này mười bốn năm về trước, chúng ta không có máy fax, điện thoại, email hay Internet để hỗ trợ. Chúng ta hãy suy nghĩ về những thay đổi trong vòng mười bốn năm tới sẽ mang lại! Kỹ thuật công nghệ không phải là tất cả, nhưng nó là một món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong lúc này nhằm giúp chúng ta trong việc rao giảng Phúc âm đến cùng trái đất. Đối với thời kỳ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng có thể đi đến cùng trái đất vì Đấng Christ.

Xin đừng bao giờ quên rằng Sa-tan cũng sẽ dùng những phương tiện mới mẻ khiến con người làm nô lệ cho nó. Còn chúng ta đem sự tự do trong Đấng Christ cho mọi người, tại sao chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa? Trong kỳ hội nghị này, chúng ta được tiếp cận với những phương tiện, công cụ mới mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thời đại này, hãy sử dụng nó để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Điều đó không có nghĩa là mỗi người chúng ta khi rời Amsterdam sẽ hoạch định việc sử dụng những tiến bộ kỹ thuật cho Hội Thánh mình. Có thể nó sẽ không thể thực hiện được ở nơi quý vị sinh sống. Nhưng Đức Chúa Trời có những công cụ khác mà Ngài muốn trang bị cho chúng ta. Đó có thể là sự hiểu biết rộng hơn về cách thức soạn một bài giảng, cách kêu gọi, cách chinh phục một làng cho Đấng Christ. Có thể đó là cách nắm bắt vấn đề để lời nói của quý vị đáp ứng được nhu cầu của người nghe, hay cách tổ chức công việc hiệu quả hơn, với kết quả to lớn hơn. Nhưng bây giờ hãy cầu xin Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta, để chúng ta sẽ là một công cụ sắc bén và hiệu quả trong cánh tay Ngài.

Lời kết luận

John Wesley, nhà truyền giáo lỗi lạc thế kỷ 18, người có công thành lập Hội Thánh Giám Lý, một lần đã nói, “Hãy cho tôi ba mươi người không yêu mến điều gì khác hơn ngoài yêu mến Đức Chúa Trời, không ghét gì khác hơn ngoài ghét tội lỗi, và chỉ tìm kiếm vinh quang Đức Chúa Trời mà thôi, thì tôi sẽ làm cho cả thế giới bùng cháy”.

Trong số quý vị chắc đã có nghe về vẻ đẹp của công viên quốc gia Yosemite tại California, Hoa Kỳ. Tôi nhớ đến một cảnh tượng ngoạn mục gọi là “Thác lửa”, người ta thường đến ngắm nó mỗi đêm mùa hè. Một ngọn lửa vĩ đại được đốt cháy cao lên trên bề mặt thung lũng nơi mọi người tập hợp lại để xem quang cảnh kỳ vĩ này. Khi ngọn lửa rực cháy, phô bày sự đường bệ của nó, một giọng nói vang lên trong đêm thanh vắng: “Hãy tuôn lửa xuống”. Ngay lúc ấy, một cảnh tượng thật ngoạn mục, như một thác nước các mẩu than hồng đỏ rực tuôn trào đổ xuống nền đá. Đó là một cảnh tượng không thể quên cho những ai đã nhìn thấy.

Trong một thời đại mà thế giới đầy sự hoài nghi, ngờ vực, ghẻ lạnh, nơi mà ngọn lửa và sự nồng ấm của Đức Chúa Trời thiếu vắng giữa các con dân Ngài, lòng tôi luôn thổn thức “Xin hãy đổ lửa xuống!”

Mong rằng đây là điều mỗi người chúng ta nên cầu nguyện. Ôi Đức Chúa Trời! Xin hãy đổ lửa xuống; khuấy động tinh thần con, dạy dỗ tâm trí con; quăng đi gánh nặng của lòng con; trang bị cho con; đốt cháy đời sống con bằng ngọn lửa thánh khiết của Đức Thánh Linh. Chúa ơi! Xin hãy đổ lửa của Ngài xuống – bắt đầu từ chính mình con!

Thứ bảy ngày 29 tháng 7 năm 2000

Trịnh Phan dịch