Ông Bà Mục Sư Cadman Với Đạo Tin Lành Ở Việt Nam

0
1393
Ông Bà Mục Sư Cadman Với Đạo Tin Lành Ở Việt Nam

Ông Bà Mục Sư Cadman Với Đạo Tin Lành Ở Việt Nam

Đạo Tin lành truyền vào Việt Nam 100 năm qua có in dấu ấn sâu đậm của cuộc đời một cặp vợ chồng mục sư người nước ngoài, người có công lớn trong việc truyền bá, mở rộng tôn giáo mới này ở Việt Nam buổi sơ khai. Để giúp bạn đọc có thêm những thông tin tổng quát về lịch sử của đạo Tin lành ở Việt Nam, chúng tôn xin cung cấp thêm một số thông tin về cuộc đời vợ chồng mục sư Cadman.

Ông bà mục sư Cadman là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên hiệp (The Christian and Missionary Alliance – CMA), người có công rất lớn trong việc dịch trọn bộ Kinh Thánh ra Tiếng Việt (bản dịch truyền thống được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay) cũng như nhiều sách báo, tạp chí khác của Tin lành. Người đã sống một cách tận hiến cuộc đời cho công việc truyền bá và phát triển đạo Tin lành ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam được vợ chồng ông bà xem như quê hương thứ 2 của mình. Sau khi mất, thi thể của ông được an táng tại Đà Lạt, bà được an táng tại Sài Gòn, người con gái độc nhất của họ thì được chôn cất ở Hà Nội.

William Charles Cadman sinh ra ở Rotherhithe, một vùng ngoại ô Luân Ðôn, nước Anh vào ngày 4 tháng 4 năm 1883 trong một gia đình ngoại đạo, sống đời bình dị của một thanh niên trước sự thay đổi sâu rộng của cuộc cách mạng kỹ thuật vào đầu thế kỷ 20. Trưởng thành ông đã chọn nghề in ấn làm công việc chính để sinh nhai, năm 1904 ông tin Chúa, sau đó dâng mình hầu việc Ngài. Ông rời gia đình xuất dương du học ở trường Kinh Thánh Toronto, Canada, sau đó qua Mỹ theo học ở Viện đào tạo Truyền giáo Missionary Training Institude ở Nyack, New York.

Tháng 9 năm 1910, sau khi tốt nghiệp ông đi Trung Quốc để cộng tác với mục sư R. A. Jaffrey mang Tin Lành đến cho người Trung Quốc. Cũng vào thời điểm này, mục sư A. B. Simpson, người sáng lập Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên hiệp với chủ trương nỗ lực đem Tin lành đến các xứ chưa tìm thấy ánh sáng của sự cứu rỗi đã đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam, Tây Tạng (lúc đó chưa thuộc Trung Quốc) và Sudan. Ðến mùa xuân năm 1911, các mục sư R. A. Jaffrey, Paul M. Hosler và G. Lloyd Huglers đến hải cảng Tourane (Đà Nẵng), Việt Nam và lập được chi hội đầu tiên sau một thời gian dài nỗ lực của các nhà truyền giáo trước đó, mở đầu cho việc truyền bá đạo Tin lành ở các quốc gia vùng Ðông Nam Á. Năm 1914, mục sư Cadman lên đường đến Việt Nam thực hiện công việc truyền giáo, tại đây ông gặp cô Grace Hazenberg cũng là nhà truyền giáo. Sau đó hai người làm lễ thành hôn vào ngày 27 tháng 7 năm 1915, tại Yunnanfu, Trung Hoa. Bà mục sư Cadman, nhũ danh Grace Hazenberg, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1876 tại Fulton, một làng nhỏ thuộc tiểu bang Illinois, nằm trên bờ sông Missisipi, Hoa Kỳ. Lúc nhỏ, bà theo gia đình đi truyền giáo ở Nam Phi cho người Afrikaners, ngày xưa gọi là người Boers. Bà theo học ở Nam Phi và đậu bằng cử nhân, sau đó bà về Toronto, Canada để học tiếp và tốt nghiệp cao học. Vào năm 1913, bà là một trong 6 người đầu tiên được Ban Chấp hành Hội Truyền giáo CMA ở New York cử đến Ðà Nẵng, Việt Nam.

Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, là giai đoạn hầu hết các mục sư Tin lành đều phải rời Việt Nam vì chính quyền Pháp không cho phép họ rao giảng đạo Tin lành, Grace là người duy nhất ở lại để tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở ở Đà Nẵng. Khi chính quyền Pháp cho phép truyền giáo lại vào cuối năm 1916, ông bà mục sư Cadman trở lại Việt Nam và được chuyển ra Hà Nội. Vào năm 1917, ông bà mua tư thất để dùng làm nơi ở, xây dựng nhà thờ và một năm sau thì lập nhà in Tin lành. Hoạt động truyền giáo lúc đầu rất khó khăn, nhưng cũng thu được kết quả và chính nhờ công lao của ông bà mà Hội thánh Hà Nội đã trở thành một Hội thánh vững mạnh nhất trong cả vùng Ðông Nam Á vào lúc bấy giờ. Từ cơ sở này, nhiều Hội thánh, hội nhánh lần lượt được thành lập tại các địa phương ở miền Bắc.

Ông bà sinh được một người con gái là Agnes tại Yunnanfu (Trung Quốc) vào năm 1916. Agnes bị bệnh khi ông bà về Canada nghỉ phép dài hạn lần đầu tiên và sau đó qua đời năm 1922, mộ chí được an táng tại Hà Nội. Thành quả đáng kể nhất của ông bà là việc cùng các cộng sự dịch toàn bộ quyển Kinh Thánh ra tiếng Việt từ năm 1916 đến 1925, trong đó bà đã đóng một vai trò trọng yếu. Ông Bà mục sư Cadman, cùng với mục sư J. D. Olsen, mục sư I. R. Stebbins và nhiều cộng sự người Việt như Phan Khôi, Trần Văn Dũng lo về lối hành văn đã tận tụy làm việc trong suốt 10 năm để hoàn thành quyển Kinh Thánh tiếng Việt trọn bộ đầu tiên và được phát hành vào năm 1926. Ai cũng biết chữ quốc ngữ do Linh mục Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) biên soạn vào cuối thế kỷ 17 đã được chính quyền chính thức thừa nhận vào những năm đầu thế kỷ XX để thay thế chữ Nôm. Tuy chữ quốc ngữ còn mới mẻ, nhưng đã được nhiều người ưa thích và rất thông dụng trong quần chúng, vì lời văn dễ hiểu trong khi chữ Nôm chỉ được những người trí thức dùng. Về mặt ngôn ngữ quyển Kinh Thánh này đã được các học giả thời bấy giờ khen ngợi và vẫn còn được hầu hết tín hữu sử dụng cho đến ngày nay.

Ngoài việc dịch Kinh Thánh, ông bà còn hoạt động mạnh trong việc soạn, dịch Thánh ca, truyền đạo đơn và thực hiện nguyệt san Thánh Kinh báo. Ấn phẩm này đã giúp Hội thánh Tin lành Việt Nam tăng trưởng và gây dựng đời sống thuộc linh cho tín đồ trên toàn quốc. Ngoài ra bà còn cộng tác soạn những bản tin Tiếng gọi Đông Dương (The Call of French Indo-China) để liên lạc với các tín hữu bên Mỹ, trình bày những diễn tiến của công việc truyền giáo tại Việt Nam. Cơ sở in ấn Tin lành ở Hà Nội do ông bà thiết lập trong 30 năm hoạt động đã cho phát hành hàng triệu trang Kinh Thánh, sách chứng đạo, Thánh ca, bài học trường Chúa nhật, tài liệu lễ bái bằng tiếng Việt, tiếng Campuchia, tiếng Lào và tiếng dân tộc… Cơ sở này thật sự đã góp phần đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa, mang sự cứu rỗi đến cho một số đông người ở Ðông Dương.

Ông Bà Mục Sư Cadman Với Đạo Tin Lành Ở Việt Nam

Nhà in Tin lành Hà Nội,nhà in của đạo Tin Lành đầu tiên tại Việt Nam

Trong cuộc thế chiến thứ hai, chính sách của Nhật Bản cũng không muốn sự có mặt của các mục sư phương Tây ở Đông Dương, một số bị người Nhật bắt và giam cầm. Mục sư Cadman đã tận dụng thời gian này để hoàn tất quyển Thánh Kinh Từ điển mà ông đã bắt đầu viết vào năm 1940, đây là tài liệu Từ điển duy nhất được viết bằng Việt ngữ từ trước đến nay. Mặc dù ông qua đời trước khi có dịp sửa chữa xong nhưng cuốn từ điển này hiện vẫn là quyển sách gối đầu giường của nhiều tín đồ, chức sắc Tin lành.

Năm 1945, nước Nhật đầu hàng, thế chiến thứ 2 kết thúc, tất cả các mục sư đều trở về nước, ngoại trừ ông bà Cadman, ông bà E. F. Irwin và mục sư D. I. Jeffrey. Nhưng đến tháng 11 năm 1945, chỉ còn gia đình mục sư Cadman ở lại Việt Nam. Ông nói: “Các anh em trong Chúa ở đây đang gặp hiểm nguy, chúng ta không thể bỏ họ đơn côi, chúng tôi quyết định ở lại với họ”. Ngày 26 tháng 4 năm 1946, bà Cadman qua đời, hưởng thọ 69 tuổi. Ông là mục sư nước ngoài duy nhất tại Việt Nam trong suốt 10 tháng cho đến khi Hội Truyền giáo tiếp tục gửi người trở lại. Trong điện tín về Mỹ báo tin buồn, ông viết: “Grace Cadman Trung tín cho đến chết”, thật vậy bà đã trung tín với Chúa, trung tín trong chức vụ của bà và trung tín với chồng để làm vinh hiển danh Ðức Chúa Trời.

Năm 1947, mục sư Cadman trở về Mỹ nghỉ phép, ông đã tận dụng dịp này để vận động mua được một máy in mới từ Anh. Ngày 26 tháng 4 năm 1948, ông tái hôn với Bà Anna G. Kegerize. Lẽ ra ông có thể nghĩ ngơi sau hơn 30 năm phục vụ ở hải ngoại, nhưng chỉ 2 tháng sau ông bà đã trở lại Việt Nam, đây là nhiệm kỳ thứ sáu của ông. Vừa đến Việt Nam, ông bà lên Ðà Lạt để tu sửa, tân trang nhà in và chuẩn bị di chuyển nhà in từ Hà Nội về đây. Cũng trong thời gian này, ông đã xem lại quyển Thánh Kinh Từ điển, một công trình nghiên cứu và biên soạn của ông trong 8 năm qua. Trong khung cảnh khó khăn của đất nước đang cố gắng phục hồi sau thế chiến thứ hai, ông nói: “Tôi cảm nhận sự thúc giục trong việc truyền bá sự cứu rỗi cho những linh hồn hư mất… Vì vậy chúng tôi cố gắng mở lại cơ sở ấn loát Tin lành…

Chúa Jêsus sẽ trở lại, Ngài sẽ trở lại nay mai. Khi đó chúng ta sẽ mặt đối mặt với Ngài và sẽ nhận được phần thưởng vì đã trung tín hầu việc Ngài… Chúng ta ngợi khen Chúa, Ngài là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Khi ẩn trú nơi Ngài, chúng ta có được sự bình yên”. Vào những ngày cuối cùng tại thế, ông tâm sự rằng: “Tôi không xem điều gì là quan trọng kể cả mạng sống và thân thể này để tôi có thể tận hưởng niềm vui trong khi thi hành chức vụ mà tôi đã nhận từ Ðức Chúa Jêsus để làm chứng về ân điển của Ðức Chúa Trời”.

Ngày 30 tháng 11 năm 1948 ông bị một cơn đau tim rất nặng, sau đó ông đột ngột qua đời vào lúc 7 giờ 30 sáng, ngày 7 tháng 12 năm 1948, hưởng thọ 65 tuổi. Tang lễ của ông được cử hành ngày hôm sau tại giảng đường của trường kinh thánh Ðà Lạt. mục sư Jeffrey chủ lễ, mở đầu với một bài điếu văn về cố mục sư Cadman bằng tiếng Anh, kế đó mục sư Ourgaud có một bài rất cảm động bằng tiếng Pháp và mục sư Duy Cách Lâm thay mặt cho Hội thánh Tin lành Việt Nam lên đọc một điếu văn bằng tiếng Việt ghi ơn người quá cố đã tận tụy hy sinh cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam từ buổi ban đầu. Buổi lễ an táng cử hành đơn sơ, đầy luyến tiếc dưới bầu trời giá buốt của một nghĩa trang ở Ðà Lạt. Khi về với Chúa, ông đã để lại người vợ mới cưới được 8 tháng, hai người anh và một em gái sinh sống ở Anh.

Chẳng những ông bà mục sư Cadman đã dâng trọn cuộc đời để truyền giảng Tin lành tại Việt Nam, sau khi mất, ông còn dâng cả di sản của mình cho Hội thánh để xây cất Cô nhi viện Tin lành Hòn Chồng, Nha Trang, trên khu đất rộng 18 mẫu. Với sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ Nhi đồng Quốc tế, cơ sở này được khánh thành vào ngày 4 tháng 9 năm 1953. Ông Bà mục sư Cadman là một trong những nhà truyền giáo tiên phong tại Việt Nam, ông bà có một người con gái độc nhất qua đời lúc 6 tuổi được an táng ở Hà Nội. Bà về với Chúa và được yên nghỉ ở nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, Sài Gòn, còn ông thì được an táng ở Ðà Lạt. Sau nhiều năm thất lạc, gần đây tín đồ Hội thánh Tin lành Ðà Lạt và Mục sư Lê Thành Chung, quản nhiệm Hội thánh Báp Tít Colorado Springs, đã tìm được ngôi mộ của ông. Khi dọn đất và cây cỏ ở trên, người ta vẫn còn đọc thấy dòng chữ khắc trên mộ bia: “Người Trung tín cho đến chết”.

Ông Bà Mục Sư Cadman Với Đạo Tin Lành Ở Việt Nam

Mộ Giáo sĩ Cadman. Hình chụp mộ bia trên phần mộ.
Ngôi mộ vẫn còn ở dưới mặt đất.
Ðà Lạt tháng 8 năm 1999.