Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 4
Tác giả: Đặng Hoàng Xa
Những dấu ấn văn hóa lớn
Thời đại của các Ngôn Sứ [thế kỷ 8 – thế kỷ 5 TCN]
Một phần ba của Kinh Thánh Hebrew được viết bởi các ngôn sứ hay còn gọi là tiên tri (prophets). Theo ngữ nghĩa, nevi’im, trong tiếng Hebrew là ngôn sứ hay tiên tri, tức là người phát ngôn thay mặt Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa. Họ có đặc sủng nhìn thấy những viễn ảnh qua sự linh ứng của Thiên Chúa. Ngoài chức năng nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ còn đóng những vai trò chính trị quan trọng trong xã hội, là người tư vấn cho hoàng gia, khởi xướng tình cảm quốc dân và hướng dẫn đạo đức cho xã hội. Nói cách khác, ngôn sứ là người đại diện cho lương tâm của Thiên Chúa, bênh vực cho công lý và con người.
Trong truyền thống Do Thái giáo, Adam, Moses, Samuel, Joshua đều là những ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử Do Thái giáo. Tuy nhiên, theo sự đồng thuận của người Do Thái thì thuật ngữ ‘ngôn sứ chuyên nghiệp’ (professional prophets) nhằm ám chỉ ba vị đại ngôn sứ và 12 tiểu ngôn sứ. Các đại ngôn sứ là Isaiah, Jeremiah và Ezekiel. 12 tiểu ngôn sứ là Hosea, Joel, Amos, Obadiah, Jonah, Micah, Nahum, Habbakuk, Zephaniah, Haggai, Zechariah và Malachi. Mỗi đại ngôn sứ viết một cuốn trong các Sách Ngôn Sứ (Nevi’im), 12 tiểu ngôn sứ đóng góp chung một cuốn. Một vài ngôn sứ khác như Neriah, Baruch và Huldah có được nhắc đến trong Kinh Thánh.
Isaiah
Isaiah là một ngôn sứ đặc biệt được người Do Thái nhắc đến nhiều nhất. Ông sống trong thời đại đen tối nhất trong lịch sử Do Thái, thế kỷ 8 TCN. Ông đã chứng kiến người Assyria phá hủy Vương quốc Israel phương Bắc, một bi kịch đã được phản ánh qua những vần thơ chua xót của ông. Isaiah là ngôn sứ trong suốt bốn vương triều của Judah – Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah.
Isaiah chỉ trích mạnh mẽ sự tôn thờ cá nhân. Ông đi một bước xa hơn các ngôn sứ khác khi khẳng định rằng Thượng Đế từ chối nghi lễ của người Do Thái nếu người thực hành tôn giáo là hung ác và không chính trực. Có lẽ lời nói mạnh mẽ nhất của Isaiah là về việc xây dựng Vương quốc của Thượng Đế trên trái đất, đó là khi hòa bình ngự trị và “gươm giáo được rèn lại thành lưởi cầy”. Liên Hiệp Quốc đã sử dụng câu nói này như một lời tuyên ngôn không chính thức.
Những bài học trong thời kỳ lưu đày ở Babylon [586-538 TCN]
Người Do Thái xem cuộc lưu đày tới Babylon là sự trừng phạt của Thượng Đế. Tuy nhiên, cuộc sống ở Babylon không quá nghiệt ngã như thời kỳ nô lệ ở Ai Cập. Nhiều người Do Thái trở thành nhà buôn, cho vay tiền, thợ thủ công, chủ đất. Vua Jehoiachin của Judah cũng có một ghế cạnh Merodach, con trai của Nebuchadnezzar – vua của Đế chế Babylon.
Người Do Thái học được nhiều điều từ người Babylon. Các yếu tố lý thuyết mới được sàng lọc vào Do Thái giáo – sự di cư của linh hồn, các thiên thần, những khái niệm đầu tiên về thời kỳ Đấng Cứu Thế đang đến. Người Do Thái cũng hấp thu tư tưởng của Trí Thức giáo (Gnosticism[1]), còn gọi là Thuyết Ngộ Đạo…
Người Do Thái xứ Babylon được phép tự do thực hành đức tin của họ, và các nhà thông giáo (scribes) bắt đầu công việc quan trọng là sao chép lại những văn bản thánh (holy texts). Dần dần những nhà thông giáo này thay thế cho các tiên tri, và tầng lớp Rabbis (giáo sĩ Do Thái) đầu tiên đã ra đời cùng với các Hội Đường Do Thái (synagogues). Những thay đổi về tổ chức xã hội được khuyến khích: sự phân chia bộ tộc kiểu cũ ở Israel bị hủy bỏ và một cảm giác thống nhất về ‘bản sắc Do Thái’ đã hình thành.
Những cải cách quan trọng dưới thời Ezra [480-440 TCN]
Năm 538 TCN, sau khi người Ba Tư chinh phục Đế chế Babylon, Hoàng đế Ba Tư là Cyrus đã ban hành chỉ dụ trả lại tự do cho người Do Thái đang sống ở Babylon, cho phép họ quay trở lại đất tổ Judah. Ngôn sứ Isaiah đã tôn vinh Hoàng đế Cyrus là ‘người chăn cừu của Thượng Đế’ và ‘người được xức dầu’ qua hành động này. Khoảng hơn 40 ngàn người Do Thái đã từ Babylon quay trở về Judah. Tuy nhiên, những người mới trở về phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và Judah chỉ thực sự ổn định sau khi Ezra và Nehemiah trở về Jerusalem vài thế hệ sau đó. Những nhân vật có khả năng lôi cuốn này đã cải thiện đức tin của người Do Thái, tổ chức lại một hệ thống nhà nước và luật pháp đúng đắn, và định hình khuôn khổ cuối cùng của Kinh Thánh – một khởi đầu có tính chất quyết định hơn cả việc xây dựng lại Ngôi Đền.
Trong Sách Ezra (The Book of Ezra – cuốn thứ 23 trong Kinh Thánh Hebrew), Ezra cũng được gọi là ‘Ezra nhà thông giáo’ (Ezra the Scribe) và ‘Ezra Linh mục’ (Ezra the Priest). Có thể nói rằng, sau tất cả những thăng trầm, Ezra là người đã giúp thiết lập lại trật tự của Judah. Ông đã triệu tập Kresset HaGedolah, hoặc ‘Đại Hội Đồng’, và tổ chức này đã trở thành cơ quan lập pháp chính thức của Judah. Kresset HaGedolah đã điều hành mọi hoạt động của Judah thay cho quốc vương cho đến thế kỷ 2 TCN. Một điểm nhấn quan trọng trong thời kỳ này là 120 thành viên Kresset HaGedolah đã qui điển hóa Tanakh. Một vài thành viên đã đóng góp viết các văn bản thánh, như Ezra, Nehemiah, và nhà tiên tri cuối cùng, Malachi.
Năm 445 TCN, 13 năm sau khi Ezra trở về Judah, Nehemiah, quan châm rượu cho Vua Artaxerxes I của Ba Tư, trở thành thị trưởng của Judea thuộc Ba Tư. Là một nhà ngoại giao tài ba và một người cấp tiến, Nehemiah đã thuyết phục Vua Ba Tư cho phép người Do Thái xây dựng tường thành Jerusalem. Ông là nhân vật chính trong Sách Nehemiah của Kinh Thánh Hebrew, trong đó mô tả những việc làm của ông trong quá trình xây dựng lại Jerusalem trong thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai.
Ezra và Nehemiah là hai tính cách trái ngược nhau. Một người bảo thủ và sùng đạo. Một người cấp tiến và trí tuệ. Tuy nhiên cả hai là một sự kết hợp tuyệt vời đã đem lại sức sống cho Judah và giúp dọn sạch những bợn nhơ của xã hội. Họ đã cùng ngồi đọc toàn bộ Kinh Torah giữa công chúng và tuyên bố rằng đó là hiến pháp của người Do Thái. Cùng với nhau, họ đã tạo dựng nên một nền tảng căn bản của đời sống Do Thái mà có thể cho là đã kéo dài cho đến ngày nay.
Kinh Thánh Hebrew được qui điển hóa
Trong thời kỳ Ezra, Kinh Thánh Hebrew (Hebrew Bible) – Tanakh – được qui điển hóa và trở thành kinh sách căn bản của Do Thái giáo. Thuật ngữ Tanakh được tạo thành từ những chữ đầu trong tiếng Hebrew của ba bộ sách: Torah (Sách Lề Luật), Nevi’im (các Sách Ngôn Sứ hay Sách Tiên Tri) và Ketuvim (các Sách Văn Chương); và là thuật ngữ thích hợp để mô tả kinh điển của Do Thái giáo; còn các thuật ngữ như Kinh Thánh Hebrew (Hebrew Bible) hoặc Kinh Cựu ước (Old Testament) thường được sử dụng bởi những người không phải Do Thái. Tanakh nguyên thủy được soạn bằng tiếng Hebrew, còn Kinh Cựu ước (Old Testament) và Kinh Tân ước (New Testament) của Ki-tô giáo được viết bằng tiếng Koine Greek (còn gọi là Alexandrian dialect hay Hellenistic Greek là một dạng chung của tiếng Hy Lạp được sử dụng trong suốt thời cổ Hy Lạp và La Mã). Tanakh bao gồm 24 cuốn sách, còn Kinh Cựu ước có nhiều hơn và bao gồm cả 24 cuốn của Tanakh nhưng sắp xếp theo một thứ tự khác.
Những cuốn sách tạo thành Tanakh được phát triển trong khoảng một thiên niên kỷ. Các văn bản cổ nhất dường như đến từ thế kỷ 11 hay thế kỷ 10 TCN, trong khi hầu hết các văn bản khác được phát triển sau đó. Đây là những sưu tập của các tác phẩm đã được chỉnh sửa từ các nguồn khác nhau và được gắn kết lại một cách vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Còn riêng thuật ngữ “Kinh Thánh” mãi đến thế kỷ 4 sau CN mới được giáo chủ John Chrysostom [347-407] sử dụng. Ông đặt tên cho tất cả các sách Thánh của người Do Thái là Kinh Thánh. Để giữ cho văn hóa tôn giáo của mình không bị đồng hóa, người Do Thái coi việc học Kinh Thánh là một vũ khí và thông qua việc dạy con trẻ đọc Kinh Thánh để duy trì sự tồn tại của bản sắc dân tộc Do Thái.
Kinh Torah, còn gọi là Ngũ thư Kinh thánh hay Ngũ kinh Moses, là phần thiêng liêng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Hebrew vì nó chứa đựng lời của Thiên Chúa ban truyền lại cho người Do Thái qua Moses. Kinh Torah gồm năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Hebrew – Sách Sáng Thế (Genesis), Sách Xuất Hành (Exodus), Sách Levi (Leviticus), Sách Dân Số (Numbers), Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy). Đôi khi thuật ngữ Torah cũng hàm ý toàn bộ Kinh Thánh Hebrew.
Sách Ngôn Sứ (hay Sách Tiên Tri), theo truyền thống Do Thái, được chia thành 8 sách. Các bản dịch hiện nay lại chia chúng thành 17 sách. Theo thời gian, Sách Ngôn Sứ được chia làm hai phần: Ngôn Sứ Sớm và Muộn. Phần Ngôn Sứ Sớm gồm bốn sách: Sách Joshua, Sách Thủ Lãnh (Books of Judges), Sách Samuel I và II, và Sách Các Vua (Books of Kings) I và II. Phần Ngôn Sứ Muộn gồm bốn sách: Sách Isaiah, Sách Jeremiah, Sách Ezekiel, và một cuốn được viết bởi 12 Tiểu Ngôn Sứ.
Sách Văn Chương gồm 11 sách: ba sách thi ca – Thánh Vịnh (Book of Psalms), Sách Châm Ngôn (Book of Proverbs), Sách Job (Book of Job); năm sách Thánh Thi (Megillot) – Sách Nhã Ca (Song of Songs), Sách Ruth (Book of Ruth), Sách Ca Thương (Book of Lamentations), Huấn Ca (Ecclesiastes), Sách Esther (Book of Esther); và ba sách của Daniel, Ezra- Nehemiah, Sử Biên Niên I và II (Chronicles I và II) cũng của Ezra.
Theo mô hình được Ezra xây dựng 2.500 năm trước, Torah được đọc tại các Hội đường Do Thái theo chu kỳ của năm, trong các ngày thứ hai, thứ năm và thứ bảy (ngày Shabbat). Cùng với phần Torah, người Do Thái cũng ngâm các đoạn ngắn trong Sách Ngôn Sứ, Thánh Vịnh, hay Sách Châm Ngôn. Những đoạn ngâm này được chọn lọc để phù hợp với phần kinh Torah được giảng, và thường giúp cho các Rabbis (giáo sĩ Do Thái) thêm tài liệu cho bài thuyết giáo của mình.
Các phần khác của Kinh Thánh cũng được chọn đọc trong các ngày lễ hội. Các trích đoạn từ Thánh Vịnh, Sách Ngôn Sứ, Sách Châm Ngôn, và sau này bổ xung thêm các thơ ca thời trung cổ không nằm trong Kinh Thánh, được đọc trong những buổi lễ hàng ngày như shacharit (buổi sáng), mincha (buổi trưa), và ma’ariv (buổi chiều).
Ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp cổ đại trong thời kỳ Hellenism
Hellenism, còn gọi là ‘thời kỳ Hy Lạp hóa’ trong tiếng Việt, là một thuật ngữ thường được sử dụng bởi các nhà sử học để chỉ thời kỳ Hy Lạp cổ đại và lịch sử Địa Trung Hải từ sau cái chết của Alexander Đại Đế năm 323 TCN cùng với sự nổi lên của Đế chế La Mã biểu hiện qua trận đánh Actium vào năm 31 TCN tới cuộc chinh phục tiếp theo của triều đại Ai Cập Ptolemaic năm tiếp theo. Tại thời điểm này, ảnh hưởng văn hóa và quyền lực của Hy Lạp đang ở đỉnh cao ở châu Âu, châu Phi và châu Á.
Cho đến thế kỷ 4 TCN, trục chính của quyền lực chính trị Trung Đông chạy dọc từ bắc xuống nam – đó chính là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Ai Cập và bất cứ ai kiểm soát Mesopotamia. Tuy nhiên, vị thế này đã bị sụp đổ với sự xuất hiện của một lực lượng mới đầy sức mạnh từ phương Tây. Đó chính là Hy Lạp, nói đúng hơn đó là phong trào ‘Hy Lạp hóa’ do người Hy Lạp điều khiển. Sự nổi lên của Hy Lạp trong thời kỳ này cho thấy một thách thức trí tuệ đáng sợ đối với người Do Thái thậm trí trước khi Alexander chinh phục khu vực Levant.[2]
Văn hóa Hy Lạp đã thâm nhập vào Trung Đông qua thương mại từ rất lâu trước thời Alexander Đại Đế. Hy Lạp đã mang đến một cách nhìn mới mẻ về thế giới, thách thức trí tuệ tất cả các dân tộc Levant bao gồm cả người Do Thái. Về mặt chính trị, tại Athens dưới thời Pericles thế kỷ 5 TCN, đã có một sự đổi mới về dân chủ. Các nhà viết kịch Hy Lạp lần đầu tiên thừa nhận ý tưởng về những lựa chọn đạo đức đang đối mặt mỗi cá nhân. Còn các triết gia thì bắt chước lời kêu gọi về ‘con người là thước đo của tất cả mọi thứ’. Các trường phái triết học liên tiếp ra đời, từ những môn đệ của Socrates, Plato, và Aristotle, tới những người theo chủ nghĩa hoài nghi, đã áp dụng các phương pháp có lý tính đối với những vấn đề sâu sắc nhất về đạo đức, chính trị và siêu hình.
Nhiều khía cạnh của văn hóa Hy Lạp như những tiếng chuông báo thức đối với người Do Thái: sự khoan dung đối với việc khỏa thân nơi công cộng và đồng tính; sự nẩy sinh của những hình ảnh thần thánh; tinh thần duy lý đem đến sự nghi ngờ về mặc khải của Thiên Chúa (divine revelation); và quan niệm về một nền văn minh dân chủ. Một số người Do Thái chống lại sự siết chặt của văn hóa Hy Lạp cổ đại trong nỗi lo sợ rằng nền tảng của Do Thái giáo sẽ bị hư hại. Họ lý giải rằng sự đồng hóa sẽ trừ tuyệt người Do Thái như một dân tộc đặc biệt. Tuy nhiên, một số khác chào đón sự tinh tế của văn hóa Hy Lạp.
Nhà truyền bá tích cực nhất của văn hóa Hellenism chính là Alexander Đại Đế. Alexander không phải người Hy Lạp, mà là con trai của Philip, vua của Macedonia, một tỉnh lệ thuộc Hy Lạp nằm ở vùng Balkans. Philip chinh phục Hy Lạp năm 338 TCN và bị ám sát hai năm sau đó. Khi còn nhỏ, Alexander Đại Đế đã từng theo học nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp là Aristotle, do vậy ông đặc biệt nhiệt thành truyền bá văn hóa Hy Lạp tới các dân tộc trong đế chế của ông. Năm 22 tuổi, ông thề sẽ hoàn thành giấc mơ của cha mình trong việc mở rộng sang phía Đông. Trong 10 năm, đánh đâu thắng đó, Alexander đã chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Palestine, Phoenicia, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Nhờ các cuộc chinh phục của Alexander Đại đế mà nền văn minh Hy Lạp cổ đại được phát triển mạnh mẽ từ Trung Á đến tận phía tây của Địa Trung Hải, mở đầu cho nhiều thế kỷ định cư và thống trị của người Hy Lạp trên nhiều vùng đất xa xôi, một giai đoạn được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa – Hellenism – như đã nói trên.
Trong giai đoạn Hellenism, nhiều người Do Thái được khuyến khích di cư sang Ai Cập. Ở đây họ phát triển thịnh vượng, xây dựng các Hội đường Do Thái và bắt đầu nói tiếng Hy Lạp. Ai Cập trở thành trung tâm sinh hoạt lớn thứ hai của người Do Thái lưu vong sau Babylon.
Vai trò của tầng lớp Rabbis (Giáo sĩ Do Thái)
Do Thái giáo và kể cả dân tộc Do Thái không bao giờ có thể sống sót nếu truyền thống Rabbis không được thiết lập. Trong suốt 2000 năm đằng đẵng lưu đầy, chính các Rabbis – những tinh hoa tri thức của dân tộc Do Thái – luôn xuất hiện từ thế hệ này qua thế hệ khác là những người đã kiên tâm giữ gìn những giá trị truyền thống của Do Thái giáo và giúp các cộng đồng Do Thái giáo gắn kết thành một sức mạnh thần thánh. Có thể nói nỗ lực không biết mệt mỏi này của các Rabbis là một trong những điều kì diệu của lịch sử và chính điều kỳ diệu này là nhân tố chính giúp cho Do Thái giáo trở thành mảnh đất tinh thần vững chắc trên đó đất nước Israel đã được xây dựng và nở hoa cho đến ngày nay.
Vậy thì ai là Rabbi đầu tiên và tên gọi ‘Rabbi’ nghĩa là gì?
‘Rabbi’ (số nhiều là ‘Rabbis’) trong tiếng Hebrew là ‘người thầy vĩ đại’. Trong tiếng Việt chúng ta dịch là ‘giáo sĩ Do Thái’. Danh hiệu chuyên nghiệp này (professional rabbi) đầu tiên được áp dụng cho Yehuda HaNasi. Ông là một giáo sĩ Do Thái sống trong thế kỷ 2 [135-217] và là người biên soạn Sách Mishna (còn gọi là Mishnah) – bản tóm lược đầu tiên bằng văn bản của ‘Khẩu Luật’ hay ‘Torah Nói’ (Oral Torah) của Do Thái giáo. Ông cũng là một nhà lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng Do Thái trong suốt thời kỳ La Mã chiếm đóng Judea.
Tuy gọi Yehuda HaNasi là Rabbi đầu tiên, nhưng sự thực thì tầng lớp Rabbis đã được hình thành rất sớm trong thời kỳ người Do Thái lưu đầy ở Babylon khoảng thế kỷ 5 TCN, bắt nguồn từ các nhà thông giáo là những người làm công việc đơn thuần là sao chép lại những văn bản thánh. Theo như đã ghi lại trong Kinh Thánh Hebrew, Yehuda HaNasi biên soạn Mishna vảo khoảng năm 200 CN.
Theo truyền thống Do Thái, việc giám hộ Kinh Torah được thực hiện qua việc chuyển giao trí tuệ từ thế hệ trước xuống thế hệ sau, từ các tổ phụ xuống các bậc huynh trưởng, rồi xuống các ngôn sứ, Kresset HaGedolah (Đại Hội Đồng), và cuối cùng là các Rabbis cho đến ngày nay. Tín điều của Đại Hội Đồng đã trở thành châm ngôn của các ngôn sứ: “Hãy kiên nhẫn trong xét đoán, đào tạo nhiều môn sinh, và xây dựng một hàng rào xung quanh Torah”.
Một truyền thống khác liên quan đến Rabbis là việc phát triển trí tuệ của người Do Thái thông qua việc chọn lọc trong sinh đẻ, nôm na là “tạo giống”. Khác với các dân tộc khác, người Do Thái đã luật hóa việc tạo giống, đặt ra mục đích cụ thể thay cho việc tạo giống tự nhiên. Trong truyền thống Do Thái giáo, Rabbis là những người được chọn từ những người thông minh nhất. Thêm vào đó, do có uy tín và địa vị trong xã hội, các Rabbis rất dễ dàng lựa chọn hôn thê từ những gia đình có gia thế, học thức. Do những chọn lọc này, con cái của các Rabbis thường rất xuất chúng, giống như cha mẹ của chúng.
Xã hội Do Thái khuyến khích các Rabbis có con, thậm chí có nhiều con để sản sinh nhiều tài năng cho xã hội. Kinh Thánh Hebrew thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái mình lấy con gái của các học giả. Kinh Thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có nhiều may mắn. Nhưng đồng thời Kinh Thánh cũng đặt ra “phanh hãm” đối với người nghèo, người ít học là sinh con nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài chính. Chính nhờ “phanh hãm” này mà người nghèo, người ở tầng lớp thấp không sinh đẻ tràn lan, khiến số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi trong so sánh tương đối với những người có gien tốt, hoặc có điều kiện vật chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có mục đích như vậy nên việc có được nhiều gien tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.
Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.
Hình: Các rabbi trong một lần họp mặt tại Brooklyn, Hoa Kỳ, 2012. Nguồn: NBC.
(Còn tiếp)
Xem thêm các phần khác của chuỗi bài tại đây: Lịch sử Do Thái
[1] Gnosticism: Thuyết Ngộ Đạo (từ tiếng Hy Lạp cổ đại: gnostikos γνωστικός, “học”, từ Gnosis γνῶσις, kiến thức) mô tả một tập hợp các tôn giáo cổ xưa xa lánh thế giới vật chất – mà họ xem như được tạo bởi các đấng tạo hóa – và chấp nhận thế giới tâm linh.
[2] Levant là một thuật ngữ lịch sử địa lý đề cập phỏng chừng đến một khu vực rộng lớn ở Tây Nam Á bao bọc bởi dãy núi Taurus của Anatolia ở miền Bắc, Biển Địa Trung Hải ở phía Tây, và sa mạc miền Bắc Ả Rập và Mesopotamia ở phía Đông. Một số các quốc gia hoặc các bộ phận của các quốc gia nằm trong khu vực Levant là đảo Síp, Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Lebanon, Palestine, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi khi bán đảo Sinai cũng được tính, mặc dù phần nhiều được coi là một vùng trung gian, ngoại biên tạo thành một cầu nối giữa Levant và Bắc Ai Cập.