Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 3
Tác giả: Đặng Hoàng Xa
Những vị vua vĩ đại ban đầu Saul, David, Solomon
Saul là một nông dân thuộc bộ tộc Benjamin, là bộ tộc chịu rất nhiều tổn thất do những cuộc tấn công của người Philistines. Tại thời điểm khi người Do Thái đòi hỏi cần phải có một chính quyền trung ương dưới sự cai trị của một vị vua, và sau rất nhiều lựa chọn khó khăn, Saul đã được nhà tiên tri Samuel xức dầu[1] và trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel gồm 12 bộ tộc [1052 TCN]. Saul rất hiểu hoàn cảnh lúc đó của người Do Thái, và theo Sách Samuel, Saul rất thành công trong việc chiến đấu với kẻ thù từ mọi phía – người Philistines, Edomites và Ammonites, người Gibeonites, và người du mục Moabites.
Trong thời gian trị vì, Saul và vị tổng chỉ huy quân đội đã xây dựng nên lực lượng quân đội chuyên nghiệp đầu tiên của Israel gồm các đơn vị dựa trên đặc điểm của các bộ tộc và lãnh thổ. Tuy nhiên, theo Sách Samuel, Saul đã đôi lần không vâng lời nhà tiên tri Samuel và cuối cùng thì Samuel đã tuyên bố rằng Thiên Chúa đã từ chối Saul trong vai trò của một vị vua. Đến thời điểm này thì “nhân vật” David bước vào câu chuyện của cung đình.
David, sau này trở thành con rể của Saul, thuộc bộ tộc Judah và là một người có biệt tài ngâm thơ. David đồng thời cũng là một tài năng lớn về quân sự. Theo lời kể trong Sách Samuel, David giết chết người khổng lồ Goliath của Philistines chỉ với một hòn đá và súng cao su [1024 TCN]. Trong vai trò lãnh đạo quân đội, David luôn giành thắng lợi ở trong bất cứ trận đánh nào mà Saul phái tới. Mỗi lần trở về từ các trận đánh, phụ nữ nhẩy múa và không tiếc lời ca ngợi David, tôn vinh chàng như một anh hùng quân đội vĩ đại hơn cả Saul. Điều này khiến Saul rất tức giận và ghen tuông trong nỗi lo sợ rằng David sẽ giành ngôi của mình. Lo sợ bị Saul ám hại, David phải bỏ trốn cùng với nhóm người thân tín của mình. Saul giết tất cả những ai đã che dấu David (1011 TCN).
Thiếu cánh tay quân sự tài ba của David, vài năm sau, trong một trận đánh với người Philistines tại núi Gilboa, quân đội của Saul chịu thất bại thảm hại và Saul tự vẫn (1010 TCN). Xác của Saul bị treo trên những bức tường của thành Beth She’an và được chôn ở Zelah. Con trai của Saul, Ish-Boshet, nối ngôi vua Israel được hai năm [1007-1005 TCN].
Sau cái chết của Saul, bộ tộc Judah ly khai khỏi sự cai trị của Gia đình Saul (House of Saul) bằng cách tôn vinh David làm vua của Judah [1010-1002 TCN]. Chiến tranh giữa Ish-Boshet và David xảy ra sau đó với thắng lợi luôn nghiêng về phía David. Năm 1005 TCN, đội quân du kích của David đánh bại các lực lượng chính thống của Ish-Boshet. Năm 1002 TCN, David thống nhất Vương quốc Israel. Lịch sử Do Thái bước vào một giai đoạn mới dưới sự trị vì của David [1002-970 TCN]. Ngôi sao sáu cánh đặc biệt của David (David Star) đã trở thành biểu tượng của dân tộc Do Thái, cùng với những bài thánh vịnh bất hủ của ông.
Vua David qua đời năm 970 TCN, nối ngôi là hoàng tử Solomon, một học giả đầy trí tuệ. Thời đại Solomon thịnh trị, thu phục được lòng tin của lân bang, mở rộng ngoại thương tới các xứ xa. Về mặt kinh điển, Kinh Torah được ghi thành văn bản dưới triều đại Solomon. Về mặt xây dựng đất nước, Solomon đã chia Israel thành 12 khu vực thuế và phát triển Vương quốc thành một trung tâm buôn bán hùng mạnh và thịnh vượng. Solomon đã mở rộng đất đai bằng tài đàm phán và ngoại giao của ông hơn là những người tiền nhiệm đã thực hiện bằng chiến tranh. Biên giới đế quốc của Solomon trải dài từ sông Nile đến sông Euphrates bao trùm cả những kẻ thù cũ, gồm cả Philistines. Bằng chứng về sự mở rộng của vương quốc đã được tìm thấy vào năm 1902 với việc phát hiện những di tích của Ir Ovot, một pháo đài cao nguyên ở Sa mạc Negev, miền Nam Israel. Di tích này được các nhà khảo cổ xác định là thuộc vào thế kỷ 10 TCN.
Tài năng thiên phú của David và Solomon còn được thể hiện nổi bật trong thi ca. Các thánh kinh trong Kinh Torah bao gồm nhiều đoạn văn được cho là của David và Solomon, nổi tiếng nhất là các thánh vịnh (Sách Thánh Vịnh – Book of Psalms – cuốn thứ 14 trong Kinh Thánh Hebrew), nơi mà thiên tài thi ca và niềm đam mê tôn giáo của David đã thể hiện một cách rõ nét. Các giáo sĩ Do Thái (Rabbis) cũng tin rằng Sách Châm Ngôn (Book of Proverbs – cuốn thứ 15 trong Kinh Thánh Hebrew) chính là tài hoa của Solomon.
Năm 960 TCN dưới thời Vua Solomon, Ngôi Đền Jerusalem đã được khởi công xây dựng, hoàn thành vào năm 825 TCN và được xem là kỳ quan đệ nhất của thế giới thời đó, hoàn thành giấc mơ dang dở của Vua David. Có thể nói thời đại David-Solomon là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Israel. Nó vĩnh viễn là một hoài niệm đầy tự hào của dân Do Thái suốt mấy ngàn năm.
Vương quốc Thống nhất Israel bị chia đôi, Ngôi đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ nhất (586 TCN): Ly tán lần thứ nhất
David và Solomon đã trở nên bất tử trong cả ba đức tin độc thần giáo, nhưng từ góc độ lịch sử, cái chết của Solomon đã để lại một khoảng trống dẫn đến sự chia cắt của Vương quốc Thống nhất Israel.
Trong nhiều thập kỷ, 10 bộ tộc phương Bắc không cảm thấy dễ chịu chấp nhận David là vua của họ. Sang đến thời Solomon, nhờ vào trí tuệ và sự khéo léo cho nên Solomon mới có thể tạm gắn kết những bộ tộc gây gổ này lại với nhau. Lý do chính của sự chia cắt là va chạm giữa Rehoboam, con trai và cũng là người kế thừa Solomon, và Jeroboam, một phiến quân thuộc bộ tộc Ephraim trong triều đình của Solomon. Năm 922 TCN, một cuộc nổi loạn đã chia Vương quốc Israel thành hai tiểu vương quốc. Jeroboam, người không thuộc hoàng tộc David, lãnh đạo cuộc nổi loạn của mười bộ tộc phương Bắc lập nên nước Israel lấy thủ đô là Samaria (gọi là Vương quốc Israel phương Bắc hay Vương quốc Samaria). Chỉ còn lại hai bộ tộc Judah và Benjamin trung thành với hoàng tộc David làm thành nước Judah ở phương Nam, nơi có Ngôi Đền Jerusalem, lấy thủ đô là Jerusalem.
Vương quốc Israel phương Bắc [930-720 TCN] chỉ tồn tại được khoảng 200 năm. Năm 720 TCN, Vương quốc Israel phương Bắc bị xâm lăng bởi Đế quốc Assyria (một cường quốc ở vùng Mesopotamia, tọa lạc tại thượng nguồn sông Tigris với thủ đô là Niniveh). Tất cả mười bộ tộc của Vương quốc Israel phương Bắc bị giết, bị lưu đày, và biến mất khỏi lịch sử. Lịch sử gọi sự kiện này là ‘Mười bộ tộc thất lạc’ (The Lost Ten Tribes).
Vương quốc Judah phương Nam [930-586 TCN] tồn tại lâu hơn trong sự lệ thuộc vào người Assyria rồi cuối cùng cũng bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Thành phố Jerusalem bị tàn phá, Ngôi Đền Jerusalem bị san thành bình địa, dân nước Judah hoặc bị giết hoặc bị lưu đầy sang Mesopotamia, đặc biệt là tới thủ phủ Babylon. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ nhất của dân tộc Do Thái cổ và cũng đánh dấu sự kết thúc thời kỳ được sách vở gọi là ‘Ngôi Đền thứ Nhất’ [825-586 TCN].
Mười bộ tộc thất lạc
Chuyện gì đã xảy ra với 10 bộ tộc phương Bắc bị thất lạc cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Nhiều người chạy tị nạn từ Israel xuống Vương quốc Judah phương Nam. Những người khác có thể pha trộn với những người phi Do Thái ở Samaria và trở thành Samaritans[2] hoặc trộn lẫn vào quỹ gen (gene-pool) của người Kurd ngày nay… Hậu duệ của 10 bộ tộc thất lạc này dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người Do Thái Ethiopia cũng như người Do Thái Yemen tự cho là con cháu của bộ tộc Dan. Bằng chứng cũng cho thấy rằng bộ tộc linh mục (priestly sect) thuộc vùng Lemba của Nam Phi có dấu hiệu di truyền của bộ tộc linh mục Kohanim của người Do Thái. Một nhóm ở Ấn Độ gọi là Shimlung nói họ là dòng dõi của bộ tộc Manasseh. Thậm chí một số người không phải Do Thái cũng tự nhận có tổ tiên thuộc 10 bộ tộc Israel đã mất…
Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề hấp dẫn này trong Chương II: nguồn gốc và phân loại nhân chủng Do Thái.
Lưu đày ở Babylon và trở về: Thời kỳ tự trị Do Thái
Năm 720 TCN có vẻ như đã đánh dấu sự sụp đổ của Do Thái giáo. Vương quốc Israel phương Bắc bị Đế quốc Assyria xâm chiếm. Tất cả 10 bộ tộc của Vương quốc phương Bắc biến mất khỏi lịch sử.
Vương quốc Judah phương Nam [930-586 TCN] bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Số phận dân tộc Do Thái dường như đã xuống đến đáy. Nếu có một thời điểm nào đó trong lịch sử Do Thái giáo mà mọi ý nghĩa dường như cạn kiệt thì chính là lúc này. Người Do Thái giáo quằn quại trong đau khổ và tuyệt vọng. Đức tin của dân Do Thái đã trải qua một cuộc thử thách nặng nề khi họ chứng kiến cảnh Ngôi Đền bị tàn phá và bản thân họ bị lưu đày sang Babylon. Các nhà tiên tri giải thích rằng đây là một hình phạt về tội bất trung của người Do Thái với Giao Ước. Không phải là Thiên Chúa bỏ rơi người Do Thái, nhưng là người Do Thái đã bỏ Ngài, khi họ tìm sự nương tựa nơi các thế lực ngoại bang và ngay cả khi việc thờ phụng của họ dường như chỉ mang tính chất hình thức trống rỗng.
Thế nhưng trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng ấy, các tiên tri vẫn nhắc nhở dân Do Thái hãy bình tâm tín thác vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là đá tảng của sự tin cậy. Nếu không làm được điều này có nghĩa là người Do Thái đã mặc nhiên chấp nhận một logic là thượng đế của kẻ thắng mạnh hơn thượng đế của kẻ bại, cũng có nghĩa là dấu chấm hết cho lòng tin vào Thiên Chúa và cũng là dấu chấm hết cho dân tộc Do Thái. Các nhà tiên tri Do Thái đã từ chối logic đó và chính sự từ chối đó đã cứu vớt tương lai cho đất nước Do Thái. Một vị tiên tri Do Thái giáo vào thế kỷ 6 đã ghi lại rằng thượng đế của người Babylon Marduk đã không thể đánh bại được Đức Jehovah; và lịch sử vẫn thuộc về vương quốc của Ngài.
Tuy nhiên cuộc sống lưu đầy tại Babylon lại đã làm nảy sinh những hạt mầm mới, những truyền thống mới: đó là sự xuất hiện một tầng lớp tinh hoa trong xã hội và từ đây các học giả tôn giáo, các nhà hiền triết trỗi dậy trở thành lãnh tụ tinh thần của người Do Thái. Bắt đầu từ thời điểm này Babylon từng bước dần trở thành trung tâm sinh hoạt mới của người Do Thái bên ngoài Palestine. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử của dân tộc Do Thái, đặc biệt là đối với sự phát triển của văn minh Do Thái.
Năm 538 TCN, người Ba Tư chinh phục Đế chế Babylon và người Do Thái trở thành thần dân của Đế quốc Ba Tư. Hoàng đế Ba Tư là Cyrus nhận thấy cần xây dựng một cứ điểm tại Palestine – vùng đất trọng yếu như một cầu nối giữa Tây Á và Bắc Phi. Nơi đây vừa có thể làm bàn đạp lý tưởng để tấn công Ai Cập, vừa có thể dùng làm vùng đệm chống lại sự xâm lăng từ phía Đông của Hy Lạp. Do vậy nên Cyrus quyết định ban hành chỉ dụ trả lại tự do cho người Do Thái đang sống ở Babylon, cho phép họ quay trở lại đất tổ Judah. Ngôi Đền được xây dựng lại. Bản văn cuối cùng của Kinh Thánh Hebrew được soạn thảo. Việc xây dựng lại Ngôi Đền Jerusalem mất khoảng 20 năm; lễ khánh thành Ngôi Đền vào năm 515 TCN đánh dấu bắt đầu thời kỳ mà sách vở gọi là ‘Ngôi Đền thứ Hai’. Sau khi trở về từ Babylon, người Do Thái đã phỏng theo giáo chế của Ba Tư mà xây dựng nên một giai cấp tư tế mà nền tảng là các học giả giáo sĩ Do Thái, từ đó hình thành một thực tiễn chính trị tôn giáo hợp nhất điển hình trong lịch sử tôn giáo Do Thái.
Về việc phân chia giai đoạn, trong các sách lịch sử Do Thái, khoảng thời gian từ năm 3000-538 TCN được gọi là Thời Kỳ Kinh Thánh (Bible Time), và bốn thế kỷ tiếp theo từ năm 538-60 TCN được gọi là Thời Kỳ Tự Trị Do Thái. Thời gian từ 60 TCN – 1948 CN gọi là Thời kỳ Nước ngoài Cai trị.
Tiếp theo sau sự thống trị của Ba Tư vào thế kỷ 5 TCN, Canaan rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexander Đại Đế [336-323 TCN]. Trong sự nghiệp chinh phục vĩ đại chưa từng có trong lịch sử của Alexander Đại Đế, Đế chế Macedonia trải dài một vùng lãnh thổ rộng lớn khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Sau khi Alexander chết năm 323 TCN, do bị bệnh hay ngộ độc gì đó, Đế chế Macedonia rơi vào cảnh tranh giành hỗn loạn và chia thành bốn vùng. Tướng Ptolemy Soter và Seleucus cuối cùng nắm quyền kiểm soát Ai Cập và Syria, lập nên các vương triều của riêng mình: nhà nước Ptolemaic với thủ đô ở Ai Cập ở phương nam và nhà nước Seleucid với thủ đô ở Syria ở phương bắc. Palestine ngẫu nhiên trở thành vùng đất tranh chấp của hai vương triều này. Chỉ trong quãng thời gian 17 năm từ 319-302 TCN, Jerusalem bảy lần đổi chủ. Cả hai vương triều này duy trì chính sách tuyên truyền và phổ biến văn hóa Hy Lạp đối với Palestine trong một phong trào gọi là Hy Lạp hóa (Hellenism). Ptolemy thắng thế cho đến năm 198 TCN, khi Antiochus III [223-187 TCN], một vị vua năng động dòng họ Seleucid, chinh phục và kiểm soát toàn bộ Palestine. Trong thời kỳ này, nhiều người Do Thái di cư xuống Ai Cập.
Cũng trong thời kỳ này, việc kết hợp văn hóa truyền thống Do Thái với văn hóa Hy Lạp đã có một ảnh hưởng không nhỏ đối với văn minh Do Thái và giúp người Do Thái tạo nên một nền văn hóa độc đáo của riêng mình vừa mang đặc trưng của người Do Thái vừa mang đặc trưng của người Hy Lạp.
Khi người Syria dòng Seleucid áp đặt nhiều biện pháp nhằm đàn áp tôn giáo và việc thực hành tôn giáo của người Do Thái trên vùng đất Palestine, một cuộc khởi nghĩa của người Do Thái đã nổ ra vào năm 166 TCN dưới sự lãnh đạo của Maccabees. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi và nghĩa quân dành được quyền kiểm soát Judea (tên gọi của vương quốc Judah trong tiếng Hy Lạp và La Mã), lúc đó là một tỉnh của Đế chế Seleucid. Maccabees lập nên triều đại Hasmoneans trị vì trong khoảng thời gian 164-63 TCN. Họ khẳng định lại tôn giáo của người Do Thái, một phần bằng cách chuyển đổi cưỡng bức, đồng thời mở rộng biên giới của Judea bằng các cuộc chinh phục và giảm bớt ảnh hưởng của Hy Lạp hóa (Hellenism) và Do Thái giáo Hy Lạp hóa (Hellenistic Judaism).
Thời điểm này là kết thúc của Thời Kỳ Tự Trị Do Thái.
Ngôi đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ hai (70 CN): Ly tán lần thứ hai
Cùng trong thời gian này vào thế kỷ 2 TCN, từ một vương quốc lạc hậu được thành lập vào năm 753 TCN với các khu định cư xung quanh Palatine Hill dọc theo sông Tiber ở miền Trung Italia, La Mã đã phát triển thành một đế chế hùng mạnh chưa từng thấy trên thế giới trước đó. Sau khi đánh bại Đế chế Macedonia và Seleucid vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, La Mã đã trở thành người thống trị của Địa Trung Hải, mở ra lối vào Trung Đông. Người La Mã bắt đầu để mắt đến Judea.
Tại Palestine, từ năm 60 CN trở đi, Vương quốc Hasmoneans của Israel bị suy yếu bởi các mâu thuẫn bên trong và rơi vào sự thống trị của người La Mã. Tuy nhiên sự chuyên chế và tàn bạo của Đế quốc La Mã đã khiến người Do Thái liên tục vùng lên phản kháng vũ trang. Vào năm 66, mâu thuẫn giữa người Do Thái và người La Mã ở Judah đã lên đến đỉnh điểm và biến thành cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại La Mã. Ban đầu người Do Thái chiếm ưu thế, nhưng chiều hướng thay đổi vào năm 68. Người La Mã dưới sự lãnh đạo của vua La Mã Titus đã giành lại quyền chủ động và vào mùa hè năm 70, quân La Mã đánh bại quân khởi nghĩa Do Thái tại Jerusalem. Hàng ngàn người Do Thái bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ. Ngôi Đền Jerusalem bị san bằng. Cuộc khởi nghĩa thất bại và một phần lớn người Do Thái bị lưu đầy và phân tán đi khắp các miền của Đế quốc La Mã. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ hai và cũng đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai [515 TCN – 70 CN] và sự sụp đổ của Judea trong vai trò trung tâm sinh hoạt của người Do Thái. Từ thời điểm này người Do Thái bắt đầu một cuộc sống lưu vong trên khắp các quốc gia trên thế giới kéo dài gần 2.000 năm. Người Do Thái một lần nữa tự hỏi liệu họ có thể tồn tại và vượt qua những khó khăn này hay không.
Dưới sự cai trị của Đế quốc La Mã [70-313] và sau đó là Đế quốc Byzantine[3] [313-636], cộng đồng Do Thái trên Vùng đất Israel vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các nền tảng giáo dục, văn hóa và luật pháp riêng của mình. Luật pháp Do Thái quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc sống, đã được ghi lại trong Sách Mishna (thế kỷ 2) và được giải thích trong Sách Talmud (thế kỷ 3-5). Các luật này, về sau có một số phần được sửa đổi lại cho phù hợp với hoàn cảnh, ngày nay vẫn được những người Do Thái giáo tuân thủ.
Sau đó, suốt từ thế kỷ 7 cho đến 1948, Canaan lần lượt rơi vào tay người Ả Rập [636-1091], sau đó là người Seljuk [1091-1099], quân Thập Tự Chinh [1099-1291], quân Mamluk [1291-1516], người Thổ Nhĩ Kỳ thời Đế chế Ottoman [1517-1917], và cuối cùng là Anh Quốc [1917-1948].
Cùng thời gian này ở bên ngoài Vùng đất Israel, kéo dài suốt 2.000 năm tính cho đến 1948 là năm mà Nhà nước Israel tuyên bố độc lập trên mảnh đất Palestine, cộng đồng người Do Thái lưu vong trôi nổi trong cuộc hành trình lưu lạc tới mọi miền đất còn lại của thế giới.
Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.
Hình: Mô hình Đền Jerusalem được phục dựng năm 1966. Nguồn: Wikipedia.
(Còn tiếp)
Xem thêm các phần khác của chuỗi bài tại đây: Lịch sử Người Do Thái
—————-
[1] Xức dầu (anointing) diễn tả hành động xoa dầu trên cơ thể, hay đổ dầu lên đầu nhằm một mục đích nào đó. Việc xức dầu bao gồm nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau. Trong thời Cựu Ước, xức dầu được xem là một nghi thức quan trọng nhằm để xác chứng rằng: người được xức dầu được Đức Chúa Trời chỉ định để thi hành một sứ mệnh đặc biệt.
[2] Samaritans là một nhóm sắc tộc-tôn giáo của Levant, hậu duệ của cư dân Semitic cổ của khu vực.
[3] Đế quốc Byzantine (Byzantine Empire) [330-1453]: còn gọi là Đế quốc Đông La Mã đóng đô ở Constantinople (nay là Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ).