13 Điều Nên Biết Về Tính Lần Lữa

Có nhiều cách để lảng tránh thành công trong cuộc đời, nhưng anh bạn nối khố, tri âm nhất chính là tính lần lữa (Procrastination). Những người hay lần lữa sẽ tự họ hủy hoại bản thân.

0
617

Tự họ dựng lên những trắc trở trên bước đường đời. Họ thực sự chọn những lối mòn khiến cho khả năng trình diễn của bản thân bị tổn thương rất nhiều.

Nhưng tại sao phần đông mọi người lại mắc phải tính này? Sau đây là lý giải của hai trong số những nhà tâm lý học hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về tính cách này: Tiến sĩ Joseph Ferrari, phó giáo sư khoa tâm lý của De Paul University ở Chicago, và Tiến sĩ Timothy Pychyl, phó giáo sư khoa tâm lý của Carleton University ở Ottawa, Canada.

  1. 20% dân số thế giới được xem là những người mắc “bệnh chờ” kinh niên. Với họ, sự chần chừ ấy được xem như một phong cách sống dù cho biết nó là không tốt. Và thói xấu này ảnh hưởng lên hầu hết những sinh hoạt thường ngày của họ. Họ không thanh toán các hóa đơn đúng hạn. Họ bỏ lỡ dịp mua vé nghe hòa nhạc. Họ giải quyết công việc được giao thường chậm hơn hạn định khá nhiều…
  2. Tính lần lữa thuộc về những rắc rối nội tại liên quan đến tính kỷ luật của mỗi cá nhân (dù vậy cũng có khá nhiều điều đáng quan tâm nếu chẳng may bạn lại rơi vào một phòng ban hay một tập thể gồm toàn những người thích chờ, nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên lối sống của bạn).
  3. Sự chần chừ không phải do gặp rắc rối về quản lý thời gian hay lập kế hoạch. Những người hay chần chừ không khác người về khả năng lượng định thời gian, mặc dù họ xem chừng lạc quan hơn người khác khá nhiều. “Khuyên một người có tính lần lữa lên kế hoạch làm việc trong tuần, cũng như bạn bảo một người trầm cảm mãn tính hãy vui lên,” Tiến sĩ Ferrari nhấn mạnh.
  4. Việc không rõ ràng trong thiết lập các ưu tiên sẽ tạo nên tính chần chừ. Một người luôn cho rằng mọi thứ đều cần phải giải quyết ngay cuối cùng sẽ chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc tiếp tục chờ đợi.
  5. Trầm cảm có thể dẫn đến hoặc làm tăng thêm thói trì hoãn và ngược lại. Bởi vì những người mắc bệnh trầm cảm không thể tìm thấy nhiều niềm vui (hoặc chẳng có niềm vui nào cả) nên mọi lựa chọn trong công việc hay nghĩa vụ đều ảm đạm như nhau, nói cách khác, hoàn tất sớm hay muộn cũng rứa cả. Điều này dẫn đến việc gặp khó khăn trong sự khởi đầu cũng như viễn cảnh mất phương hướng giải quyết là rất lớn.
  6. Tính cầu toàn quá đáng cũng góp phần tạo nên tính lần lữa. Những ai cố hết sức mình vì khát khao chiến thắng sẽ không có tính chần chừ, nhưng những ai luôn tìm kiếm sự tuyệt đối để làm hài lòng người khác thì lại thường trì hoãn.
  7. Những người hay chần chừ được tạo thành chứ không phải sinh ra. Tính chần chừ ấy thường được học từ môi trường gia đình, nhưng không phải là trực tiếp. Đó được xem như sự đáp trả lại phong cách giáo dục độc đoán của cha mẹ. Việc có một người cha khắc nghiệt, luôn tìm cách kiểm soát đứa con sẽ dần khiến cho đứa trẻ ấy mất đi sự phát triển khả năng tự điều chỉnh lấy hành vi của chính mình, mất đi khả năng tư duy độc lập và sau đó là mất đi khả năng học hỏi cách hành xử dựa trên những thông tin thu thập được. Sự chần chừ thậm chí có thể được coi như một dạng của sự nổi loạn.
  8. Với tính cách này những người hay trì hoãn luôn xé rào trong việc tiêu thụ chất cay nhiều hơn là hàm lượng họ dự tính sẽ tiêu thụ – đây thực chất cũng chỉ là những rắc rối chung thường thấy ở những người gặp trục trặc trong việc tự điều chỉnh hành vi.
  9. Những người thích trì hoãn này sẽ khó tránh khỏi việc lừa dối chính bản thân. Ví dụ: “Tôi cảm thấy nhiều hứng khởi hơn khi làm việc này vào ngày mai” hoặc “Tôi sẽ làm việc hiệu quả nhất dưới một áp lực dữ dội”. Nhưng thực tế, tất nhiên, thường ngược lại: họ chẳng gấp rút hay hứng khởi gì cả vào ngày hôm sau; khả năng chịu áp lực phi thường cũng chẳng hề ló dạng.
  10. Những người hay chần chừ cũng thường là những người rất kém trong việc dám chấp nhận và đương đầu với thất bại. Và vì thế, họ cần phải tìm cách đánh lạc hướng người khác và ngay bản thân mình bằng những giải thích, lý giải này nọ.
  11. Có hơn một khẩu vị trì hoãn. Người ta thường trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Tiến sĩ Ferrari nêu lên ba dạng người trì hoãn thường bắt gặp: Dạng thích tìm… cảm giác mạnh. Đây là những người luôn để mọi việc nước đến chân mới nhảy.
    Dạng lẩn tránh. Đây là những người không dám đối mặt với thất bại hoặc nhiều khi là áp lực của sự thành công. Với những người thuộc dạng này nhận xét mà người khác dành cho họ là thiếu nỗ lực nhiều hơn là thiếu khả năng.
    Dạng chờ thời. Đây là những người không thể tự mình ra quyết định. Việc không ra quyết định tự bản thân sẽ khiến cho họ dường như tránh được mọi trách nhiệm liên quan đến kết cục của việc đó. Nhìn chung, dạng này có nét tương đồng với dạng thứ hai ở chỗ cùng lẩn tránh trách nhiệm.
  12. Những ai thích trì hoãn sẽ thường phải trả giá đắt. Sức khỏe là vấn đề đáng quan ngại đầu tiên. Những học sinh – sinh viên nào có tính chần chừ đều có những bằng chứng của việc suy giảm hệ miễn dịch như thường xuyên bị cảm lạnh và cúm, các vấn đề thuộc dạ dày. Và họ cũng bị mất ngủ. Bên cạnh đó, tính chần chừ còn tạo tác động xấu đến những người khác, nó khiến đè nặng thêm gánh nặng trách nhiệm của họ, dần dà không tránh khỏi sự căm phẫn trong lòng. Như vậy, những người hay chần chừ sẽ dần đi đến chỗ hủy hoại môi trường làm việc chung và những quan hệ riêng tư của họ.
  13. Những ai hay chần chừ vẫn có thể thay đổi thói tật này – nhưng đòi hỏi phải tiêu hao nhiều năng lượng tinh thần. Nhưng tất nhiên không thể chỉ nói (về mặt tinh thần) là hoàn toàn ổn thỏa. Nó chỉ thay đổi được bằng liệu pháp nhận thức hành vi có tính kết cấu cao.

BÙI NGUYỄN QUÝ ANH dịch – Tuổi trẻ Online