Giao Tiếp Kém Có Thể Vì Bạn Chưa Biết 5 Thói Quen Này

0
554

Những người có kỹ năng giao tiếp xã hội hoàn thiện, họ có rất nhiều điểm chung, điển hình như 5 thói quen sau:

Kỹ năng giao tiếp xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa, cũng như trong thành công, sự nghiệp. Những người có kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ sẵn sàng đầu tư nghiêm túc vào các mối quan hệ xã hội, cá nhân và công việc. Họ tiếp cận mọi tình huống xã hội với sự hào hứng thay vì lo lắng, buồn chán và sợ hãi. Học cách quản lý các kỹ năng giao tiếp và biết cách hòa nhập với mọi người là một phần quan trọng của sự trưởng thành và chín chắn.

Trong khi một số người dường như bẩm sinh đã sở hữu các kỹ năng giao tiếp, số khác lại gặp khó khăn. Tin tốt là ta có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Và một cách trong đó là học hỏi từ những người khác – những người có kỹ năng giao tiếp xã hội hoàn thiện. Họ có rất nhiều điểm chung, điển hình như 5 thói quen sau:

Thói quen 1: Luôn tập trung vào hiện tại

Những người có khả năng giao tiếp biết cách tập trung vào hiện tại. Thói quen tập trung này sẽ giúp họ có được sự tinh ý trong cách quan sát và từ đó góp phần xây dựng những mối quan hệ sâu sắc.

Tinh ý có nghĩa là nhận thức được môi trường xung quanh, cách bạn chia sẻ môi trường của mình với thế giới và cách bạn mời người khác vào thế giới của mình. Sự tinh ý có thể vừa giúp bạn không bị nhàm chán, vừa giúp bạn biến thế giới thành một nơi thu hút hơn cho những người khác. Đồng thời, người tinh ý sẽ nhận ra khi bạn bộc lộ cảm xúc trên mặt hoặc qua ngôn ngữ cơ thể, từ đó biết lúc nào nên chủ động bắt chuyện lúc nào không.

Thói quen 2: Lắng nghe chủ động

Có thể bạn cho rằng ai cũng lắng nghe cả. Điều này không sai nhưng vấn đề là một số người nghe để nói trong khi những người giỏi giao tiếp thì lại nghe để hiểu (lắng nghe chủ động hoặc lắng nghe sâu sắc). Khi bạn nghe để nói (lắng nghe thụ động), bạn chỉ đơn giản là để đối phương nói cho đến khi đến lượt bạn nói.

Thông thường, khi nghe để nói, bạn đang chuẩn bị phần nói (hoặc luận điểm) của mình trong đầu thay vì thực sự tiếp thu những gì đối phương đang nói.

Tuy nhiên, khi nghe để hiểu, bạn tiếp nhận và tổng hợp thông tin, cố ý tiếp thu và hiểu quan điểm của đối phương, đồng thời học được một điều gì đó về họ hoặc tình huống hiện tại. Khi nghe để hiểu, bạn hạn chế sự phân tâm cả bên trong lẫn bên ngoài và tập trung hoàn toàn vào người nói.

Kỹ năng lắng nghe chủ động được dựa trên khả năng nghe cùng với khả năng thể hiện lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.

Thói quen 3: Hiếu kỳ và quan tâm đến người khác

Những người có kỹ năng giao tiếp cao không chỉ kể chuyện về bản thân, mà họ còn biết cách mời người khác kể chuyện của mình. Họ quan tâm đến chuyện của người khác và ghi nhớ những gì người khác nói với họ. Họ làm cho người khác cảm thấy việc nói chuyện với họ là đáng làm. Họ dễ dàng tạo cho người khác cảm giác muốn trút hết tâm tình.

Maya Angelou từng nói, “Tôi đã học được rằng người ta sẽ quên những gì bạn nói, quên những gì bạn làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm xúc mà bạn tạo cho họ.”

Để cải thiện kỹ năng giao tiếp, điều tối quan trọng là làm cho người khác cảm thấy thoải mái khi ở bên bạn. Hãy mời họ kể chuyện của họ, và phải thực sự quan tâm đến những điều họ nói. Hãy đặt những câu hỏi mở và đúng trọng tâm – hãy quan tâm đến câu chuyện, trải nghiệm, thử thách, cuộc sống hàng ngày và những trở ngại họ phải trải qua.

Todd B. Kashdan, một nhà nghiên cứu, chia sẻ, “Trong việc vun đắp và duy trì mối quan hệ, việc tỏ ra quan tâm đến người khác quan trọng hơn là khiến người khác quan tâm đến mình; đó là bí mật giúp đôi bên có thể không ngừng trò chuyện – bí mật của các mối quan hệ hiệu quả.”

Thật vậy, nếu bạn quan tâm đến câu chuyện của người khác, họ sẽ quan tâm đến câu chuyện của bạn.

Thói quen 4: Khiếu hài hước

Hài hước mang sức mạnh của sự lạc quan. Những người hài hước dễ dàng xử lý tình huống khó xử chỉ bằng một câu nói, giúp họ xây dựng các mối quan hệ. Sự hài hước giúp thay đổi tâm trạng chán nản của một người, giúp họ tìm thấy niềm vui, sự tự tin, sự cân bằng tâm lý cần thiết sau khi trải qua những thất vọng trong đời sống.

Tuy nhiên, hài hước không có nghĩa là đùa vô duyên, thiếu tế nhị. Người hài hước thường là người thông minh, bản lĩnh, thay vì những người có trái tim yếu đuối, dễ đổ vỡ, dễ tổn thương. Bởi vậy, muốn có sự hài hước, trước hết phải có kiến thức, trải nghiệm và vốn sống phong phú.

Chúng ta đôi khi quá coi trọng hình ảnh cá nhân, đặt nặng “sĩ diện”, muốn thể hiện những mặt hoàn hảo trước người khác. Nhưng, đôi khi cần phải dám “hạ” mình xuống và trêu cười bản thân.

Kịch gia Bernard Shaw từng nói: “Sự hài hước cũng giống như hệ thống giảm xóc trên xe ngựa, không có nó, một hòn đá nhỏ trên đường thôi cũng có thể khiến bạn ê ẩm”. Giá trị của sự hài hước chính là ở chỗ như vậy.

Thói quen 5: Họ thể hiện sự đồng cảm

Cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói, “Không ai quan tâm bạn biết nhiều cỡ nào, cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ cỡ nào.”

Những người giỏi giao tiếp có thể nhận ra cách mọi người đang thể hiện bản thân. Và từ đó, họ có thể hình dung sống động về trải nghiệm của người khác như thể tự mình đã trải qua mà không đưa ra phán xét. Chính từ việc có thể cảm nhận chính xác những cảm xúc trong chính bản thân và người khác, họ dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ ở cấp độ cá nhân, xã hội hoặc công việc.

Tiến sĩ Roman Krznaric, một giảng viên sáng lập của công ty The School of Life, chia sẻ rằng sự đồng cảm là “khả năng đặt mình vào vị trí của người khác nhằm hiểu được cảm xúc, quan điểm của họ và vận dụng sự hiểu biết đó để định hướng cho hành động của mình.”

Những người giỏi kỹ năng giao tiếp cũng biết thể hiện sự bất đồng một cách hòa nhã và tôn trọng quan điểm của những người xung quanh. Họ tôn trọng và khoan dung với người khác. Họ nhìn thế giới bằng con mắt lạc quan và tích cực.

Không có hoàn cảnh xã hội nào giống nhau và không phải lúc nào cũng có một cách “hoàn hảo” để tạo được kết nối sâu sắc với mọi người. Nhưng nhờ rèn luyện, khả năng ứng biến trong các tình huống xã hội của bạn sẽ trở nên trôi chảy hơn hẳn.

Nguồn tham khảo: Thomas Oppong

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.