Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 2

0
1610
Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 2

Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 2

Tác giả: Đặng Hoàng Xa

Trở về Cannaan

Sách Joshua (The Book of Joshua – cuốn thứ 6 trong Kinh Thánh Hebrew), kể lại chuyện đoàn người Do Thái do Joshua dẫn đầu đã vượt sông Jordan và bao vây thành cổ Jericho,[1] rồi thổi vang kèn chiến thắng và kéo đổ tường thành vào ngày thứ bảy của cuộc tấn công. Câu chuyện trên được viện dẫn từ Kinh Thánh. Còn chuyện thực là như thế nào?

Cuộc tấn công Canaan của người Do Thái – sự thực hay hư cấu?

Bằng chứng khảo cổ cho thấy rằng các bức tường thành Jericho đã đổ rất lâu trước khi người Israel trở về. Một số học giả đặt câu hỏi cuộc tấn công quân sự của người Do Thái như mô tả ở trên có thực sự xảy ra hay không, và tin rằng người Do Thái đã mất tới trên 2 thế kỷ để xâm nhập Canaan. Những lời kể về cuộc chinh phục Canaan của Joshua trong các Sách Dân số (The Book of Numbers – cuốn thứ 4 trong Kinh Thánh Hebrew), Sách Joshua (The Book of Joshua – cuốn thứ 6 trong Kinh Thánh Hebrew), và Sách Thủ Lĩnh (The Book of Judges – cuốn thứ 7 trong Kinh Thánh Hebrew) cho thấy những bất đồng.

Tuy nhiên những hình ảnh trong Kinh Thánh cũng có những giá trị nhất định. Những khai quật cho thấy rằng những thành phố của Canaan như Lachish, Kiryat-Sepher và Eglon ở phía nam, Bethel ở giữa, và Hazor, một thành phố ở cực bắc, tất cả đều bị phá hủy vào cuối thế kỷ 13 TCN. Các bằng chứng khác khẳng định rằng cuộc tấn công vùng đồi núi Canaan đã xảy ra bắt đầu từ phía đông sang phía tây là ăn khớp với câu chuyện trong Kinh Thánh.

Ngôi Đền tại Shechem, một thành phố của Canaan, nơi mà Abraham được Thiên Chúa hứa cho Canaan một thiên niên kỷ trước, không có dấu hiệu bị phá hủy. Điều này nhất quán với khẳng định trong Sách Joshua rằng người Do Thái không bị cản trở trong cuộc tấn công ở đó. Xâu chuỗi tất cả những bằng chứng từ khảo cổ, các nguồn Kinh Thánh và địa chính trị của thời gian đó, chúng ta có thể dựng lại câu chuyện như sau.

Người Do Thái xuất hiện từ Sinai và đi vào khu vực Transjordan,[2] chuẩn bị tiến vào Canaan từ phía đông. Họ trang bị vũ khí nhẹ và mệt mỏi sau 40 năm trong sa mạc. Cuộc tấn công vào các thành phố được phòng thủ kiên cố của Canaan dường như bị thất bại. Thêm nữa, người Canaan tổ chức quân đội theo kiểu tập đoàn quân (field army), vì thế các trận đánh đối diện trực tiếp trên chiến trường theo kiểu qui ước của người Do Thái không mang lại kết quả.

Do vậy, người Do Thái thay đổi chiến thuật sang chiến tranh du kích. Họ lấy được các thành phố Bethel, Ai và Gibeah bằng cách giả vờ rút lui và gài gián điệp vào thành Jericho trước khi bao vây. Thông thường người Do Thái sử dụng phương thức ngoại giao để chia rẽ các dân tộc khác nhau của Canaan. Thí dụ như họ lập được hiệp ước với người Hivites của thành phố cổ Gibeon và các thành phố lân cận, giúp họ phòng thủ khi bị bốn thành bang (city-states) của Canaan tấn công.

Các đợt tấn công

Có thể chia các cuộc tấn công của người Do Thái thành hai đợt. Đợt tấn công thứ nhất do các bộ tộc Rachel thực hiện (Rachel là tên người vợ chính của Jacob), dưới sự lãnh đạo của Ephraim và Manasseh thuộc gia đình Joseph (Joseph là con đầu của Jacob). Họ tiến quân qua các vương quốc Moab và Edom của Transjordan. Sau khi vượt qua sông Jordan và lấy được Jericho, họ trèo lên dãy núi và vượt qua ngọn Ephraim. Từ đó tỏa ra theo các hướng khác nhau.

Đợt tấn công thứ hai là của thế hệ tiếp theo. Các bộ tộc Leah (Leah là tên của người vợ thứ của Jacob) do Judah lãnh đạo (Judah là con thứ hai của Jacob). Sau khi đánh bại người Amorites, họ tiến vào Canaan về phía bắc của Jericho và tiếp tục di chuyển về hướng dãy núi Judaean Hills và vùng đồng bằng Shefelah Plain gần bờ biển. Trong khi đó, các thị tộc không phải Do Thái nhưng có quan hệ với Judah như Calebites, Kenites, và Kenizzites giúp đỡ họ chiếm Hebron và Sa mạc Negev.

Sách Joshua nói rằng người Do Thái tiêu diệt 12 thành phố pháo đài, nhưng thừa nhận rằng còn lâu mới có thể khống chế toàn bộ khu vực. Sau những thắng lợi ban đầu, tình thế bị đảo ngược và người Do Thái bị đẩy ra khỏi các đồng bằng ven biển vào vùng đồi núi khô cằn.

Canaan đa sắc tộc

Người Do Thái sống cạnh các dân tộc khác ở Canaan. Ở biên giới phía bắc là người Phoenician, phía đông là người Ả Rập và các dân du mục Semitic khác như là Ammonites. Vào khoảng năm 1175 TCN, một nhóm người mới xuất hiện làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn rất mong manh của Canaan. Đó là người Philistines, một giống dân tiến bộ định cư dọc theo bờ biển phía nam của Canaan, tiền thân của người Palestine sau này.

Lúc này 12 con trai của Jacob (theo thứ tự sinh), Reuben, Simeon, Levi, Judah, Dan, Naphtali, Gad, Asher, Issachar, Zebulun, Joseph and Benjamin trở thành tổ tiên của mười hai bộ tộc Israel, trừ trường hợp của Joseph, người có hai con trai Manasseh và Ephraim đã được Jacob nhận làm con nuôi và trở thành danh xưng (eponym) của bộ tộc, theo Genesis 48. Tên của các bộ tộc này là: Reuben, Simeon, Levi, Judah, Zebulun, Issachar, Dan, Gad, Asher, Naphtali, Joseph and Benjamin. Trong 12 bộ tộc này, bộ tộc được các độc giả hiện đại biết đến nhiều nhất là bộ tộc Judah.

Lịch Sử Thăng Trầm 4000 Năm Của Người Do Thái Phần 2Bản đồ Canaan cổ với 12 bộ tộc. Nguồn: Wikipedia.

Cuộc sống trên Miền Đất Hứa

Sách Joshua và Sách Thủ Lĩnh mô tả cuộc sống buổi đầu của người Do Thái sau khi trở về Canaan là một xã hội nghèo, nông nghiệp, tổ chức theo bộ tộc và bình đẳng. Những khai quật khảo cổ trong Hậu kỳ Thời đại Đồ đồng đã xác nhận những mô tả này. Người Do Thái tổ chức xã hội dựa trên một hệ thống chính quyền cộng hòa lỏng lẻo, gọi là edah, giống như hội đoàn hay hội đồng. Ranh giới các bộ tộc dịch chuyển theo thời gian dựa trên các tranh chấp với láng giềng. Tranh chấp biên giới nội bộ rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên Sách Joshua có ám chỉ bóng gió đến sự ly khai giữa các bộ tộc miền bắc và nam.

Từ liên minh bộ tộc sang chế độ quân chủ

Lúc đầu, người Do Thái không có vua. Họ chỉ liên kết với nhau dựa vào những điều răn của Thiên Chúa và chung sống dựa vào sự hiểu biết Thiên Chúa của họ. Từ khoảng năm 1200 TCN cho tới năm 1047 TCN, các bộ tộc người Do Thái sống bằng nghề canh nông và chăn nuôi, được tổ chức và cai trị không phải theo nguyên tắc nhà nước mà theo chế độ gia trưởng phụ quyền. Người đứng đầu cao tuổi nhất trong mỗi tộc họ tham dự vào hội đồng bô lão, đây là tòa án đưa ra phán xét cuối cùng trong bộ tộc. Các lãnh đạo của bộ tộc được gọi là thủ lĩnh, hay còn gọi là thẩm phán (judge), có trách nhiệm đặc biệt phân xử về đất đai, hôn nhân và các sự việc liên quan tới lề luật. Đồng thời, họ còn lãnh đạo những cuộc hành quân phối hợp giữa các bộ tộc trong những trận đánh với các dân tộc xung quanh, đặc biệt với quân Philistine.

Như đã đề cập ở trên, sự xuất hiện của người Philistines vào khoảng năm 1175 TCN đã làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn rất mong manh của Canaan. Trong khi người Do Thái và người Canaan sau nhiều căng thẳng đạt được thỏa thuận về những khu vực ảnh hưởng và ngưng chiến thì người Philistines đã xuất hiện và đe dọa sự ổn định hòa bình của khu vực. Ngày nay từ ‘Philistines’ ám chỉ cho một cái gì đó quê mùa, nhưng người Philistines thời đó thực sự rất có tài về nghệ thuật. Họ cũng là giống người thông minh trong nghệ thuật chiến tranh. Người Philistines đã sớm biết sử dụng kiếm sắt và mũ đồng như trong Sách Samuel (The Book of Samuel – cuốn thứ 8 của Kinh Thánh Hebrew) đã miêu tả về người chiến binh Philistines khổng lồ Goliath. Tuy nhiên, mặc dù người Philistines rất cẩn mật dấu diếm cách sản xuất vũ khí của họ, người Do Thái vẫn ăn cắp được những bí mật này và sao chép lại.

Sau khi ổn định định cư dọc theo bờ biển phía nam của Canaan, từ những địa điểm dọc bờ biển như Gaza, Gath, Ashkelon, Ekron và Ashdod, người Philistines bắt đầu lấn sang vùng đất nội địa của Canaan. Các bộ tộc người Do Thái ở phía nam liên tiếp bị người Philistines tấn công [1180-1150 TCN]. Tình trạng tranh chấp và chia rẽ giữa các bộ tộc cùng với những xung đột với các dân tộc bản địa xung quanh đặc biệt là với người Philistines dần dà vượt ra ngoài tầm giải quyết của các thủ lĩnh. Đã tới lúc người Do Thái đòi hỏi cần phải có một chính quyền trung ương, dưới sự cai trị của một vị vua. Thế là Saul [1043-1010 TCN] trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel. Tiếp theo là David [1002-970 TCN] là con rể của Saul, và sau đó là Solomon [970-931 TCN], con trai của David.

Israel chuyển dịch từ chế độ liên minh bộ tộc sang chế độ quân chủ.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Hình: Hình minh họa từ Sách Joshua. Nguồn: Wikipedia.
(Còn tiếp)