Hai Người Cùng Leo Ra Khỏi Một Ống Khói, Ai Sẽ Đi Rửa Mặt?

0
934

Bài học thâm thúy từ câu hỏi của người Do Thái: Hai người cùng leo ra khỏi một ống khói, ai sẽ đi rửa mặt?

Câu hỏi của người Do Thái cho thấy rằng dù gặp vấn đề gì cũng phải suy nghĩ thấu đáo, đừng để bị người khác dẫn dụ.

Người Do Thái nổi tiếng là dân tộc thông minh, với chỉ số IQ trung bình là 110. Chỉ chiếm khoảng 0,3% dân số, nhưng họ lại sở hữu tới 50% số công ty giàu có nhất thế giới. Bí quyết của người Do Thái giúp họ vượt lên nghịch cảnh là thành công là nhờ có vô số triết lý sâu sắc về cuộc sống, là những kinh nghiệm đúc kết cả ngàn năm.

Người Do Thái có một câu chuyện đầy thâm thúy như sau:

Có một anh sinh viên nọ học rất khá, không có môn nào bị điểm kém hơn A. Anh lại vô cùng ham học hỏi, đặc biệt thích đọc sách để trau dồi kiến thức. Một lần nọ, anh ta đọc được một phần trong cuốn sách Talmud – Trí tuệ người Do Thái thấy tâm đắc, nên tìm tới một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở nơi anh ta sinh sống để xin được chỉ dạy.

Vị giáo sĩ này nói rằng, Talmud là quyển sách sâu sắc nhất của người Do Thái, được coi là tinh hoa trí tuệ của dân tộc ông. Vì thế, trước khi quyết định có giúp anh ta nghiên cứu cuốn sách, ông sẽ thử kiểm tra trí thông minh của anh bằng một câu hỏi.

Hai người cùng leo ra khỏi một ống khói, ai sẽ đi rửa mặt?

Anh sinh viên lập tức đồng ý, và vị giáo sĩ liền nói: “Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?”

Anh thanh niên liền nhanh nhảu trả lời: “Người mặt bẩn sẽ đi rửa mặt! Đây mà cũng được gọi là một câu hỏi ư?”.

Vị giáo sĩ thủng thẳng trả lời: “Sai rồi. Người mặt sạch sẽ đi rửa mặt. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên nghĩ mặt mình cũng sạch. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn nên anh ta đi rửa mặt”.

Anh thanh niên thấy vậy liền vô cùng ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ thấy hợp lý nên không hỏi thêm gì khác. Anh xin thêm một cơ hội nữa, giáo sĩ lại đưa ra câu hỏi y hệt ban đầu. Lần này, anh thanh niên trả lời: “Chẳng phải câu trả lời là người mặt sạch đi rửa mặt sao?”.

Vị giáo sĩ lắc đầu, cười đáp: “Không phải, cả hai cùng đi rửa mặt. Người mặt sạch nhìn thấy người mặt bẩn, nghĩ mặt mình bẩn nên đi rửa mặt. Còn người mặt bẩn thấy người mặt sạch đi, liền tập tức đi theo”.

Anh thanh niên không biết phải trả lời sao, nhưng vẫn chưa muốn bỏ cuộc, bèn năn nỉ giáo sĩ đưa ra một câu hỏi khác. Thế nhưng, người này lại tiếp tục đưa ra câu hỏi ban đầu. Lần này, anh liền đáp: “Vậy thì câu trả lời là cả hai người cùng đi rửa mặt!”.

Thế nhưng, vị giáo sĩ lại lắc đầu: “Vẫn chưa đúng. Chẳng ai trong số họ đi rửa mặt cả. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên anh ta cũng nghĩ mình không bị nhem nhuốc, nên không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không rửa mặt thế thì mình cũng cần gì phải rửa nữa”.

Đến lần này, anh sinh viên trẻ không biết phải nghĩ sao. Dù câu hỏi chỉ có một, nhưng mọi câu trả lời anh đưa ra đều sai, mà mỗi lần giáo sĩ người Do Thái giải thích lại vô cùng hợp lý. Khi cố gắng nài nỉ một cơ hội cuối cùng, anh thanh niên vô cùng hoang mang khi thấy vị giáo sĩ thông thái kia chỉ đưa ra câu hỏi như cũ. Thấy vậy, anh thanh niên trẻ tuyệt vọng nói: “Không ai đi rửa mặt cả! Thầy vừa nói thế rồi mà!”.

Đến lúc này, vị giáo sĩ mới trả lời: “Tất cả đều sai rồi! Đây thực ra là một câu hỏi vô nghĩa ngay từ lúc bắt đầu, chẳng có lý gì hai người cùng chui ra từ một ống khói mà một người dính bẩn, người kia lại sạch sẽ cả!”.

Sau cùng, bài học từ câu chuyện của người Do Thái có nghĩa là: Dù ta có là người thông minh, tài giỏi đến đâu, nhưng nếu chỉ chăm chăm mù quáng đi giải đáp những câu hỏi vốn đã sai từ đầu, thì sẽ chẳng bao giờ tìm được một câu trả lời đúng đắn. Tương tự như vậy, cứ mãi theo đuổi những ảo tưởng viển vông, thì sẽ chẳng bao giờ tìm được đích đến phù hợp.

Ta cần phải có sự tỉnh táo, kiên định, không được để ý chí của mình bị người khác làm lung lay hay dẫn dụ. Ta phải trau dồi tư duy, học cách suy nghĩ đa chiều (critical thinking), bởi đó là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thành công.

Người trẻ muốn mình sớm thành công hay giàu có, thì trước tiên cần làm không phải là mơ mộng tiêu tiền như thế nào, mà xem cần làm gì để đạt được nó. Cố gắng trau dồi kiến thức và vốn sống càng nhiều càng tốt, sử dụng quỹ thời gian hữu hạn sao cho phù hợp.

Hãy tìm hiểu bài học thành công từ những tỷ phú tự thân hàng đầu thế giới, rồi tự đúc kết ra con đường thành công của riêng mình. Đừng tốn thời gian “đắm đuối” bên mạng xã hội, hay những trận game vô bổ. Giải trí là việc cần thiết, nhưng ta không nên quá sa đà vào chúng. Đừng bao giờ tốn công tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi vô lý, chẳng hạn như “Làm sao để có thể giàu mà không cần phải làm gì?”.