Quỹ ETF là gì ? Hoạt động như thế nào ?
1. Quỹ ETF là gì ?
ETF (Exchange Traded Fund) là một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số. Danh mục của quỹ ETF gồm những mã chứng khoán được cơ cấu theo mức định sẵn của từng quỹ.
Theo đó, nhà đầu tư không cần phải lựa chọn cho mình cổ phiếu mà có thể trực tiếp mua chứng chỉ quỹ của quỹ ETF. Cách đầu tư này thuộc loại đầu tư thụ động (Passive investing).
ETF không phải là hoàn toàn an toàn vì đôi khi có những quỹ ETF chỉ số ngành – rủi ro ở đây là có thể cả ngành đó sẽ suy thoái, ví dụ như bong bóng dotcom năm 2000. Mặc dù thế, quỹ ETF tương đối khá tiện lợi vì nó có chi phí thấp và được đa dạng hoá tốt.
2. Lợi ích của quỹ ETF
Đối với nhà đầu tư: Quỹ ETF là một hình thức quỹ mở nhưng thừa kế cả ưu điểm của quỹ đóng và mở đồng thời hạn chế nhược điểm của 2 loại quỹ này. Vì thế, ETF có tính minh bạch cao hơn, có danh mục đầu tư đa dạng và phù hợp với nhiều nhà đầu tư.
Đối với nền kinh tế:
Thứ nhất, quỹ ETF là một công cụ hiệu quả để xử lý nợ xấu và sở hữu chéo.
Thứ hai, quỹ ETF là công cụ phòng chống khủng hoảng.
Thứ ba, quỹ ETF làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Thứ tư, quỹ ETF làm thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư.
Thứ năm, quỹ ETF giúp thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt do cơ chế quỹ mở, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sở hữu số lượng chứng chỉ quỹ nắm giữ.
3. Quỹ ETF hoạt động như thế nào?
Quỹ ETF được giao dịch trên thị trường chứng khoán gần với giá trị tài sản ròng NAV (Net Asset Value) trong suốt phiên giao dịch.
Hầu hết các quỹ ETF hoạt động dựa trên một chỉ số tham chiếu, như chỉ số chứng khoán hoặc chỉ số trái phiếu.
Quỹ ETF có thể được phân loại theo dạng quỹ mở hay quỹ ủy thác đầu tư (UIT, unit investment trust – hoạt động trong một thời gian xác định và danh mục cố định), nhưng khác với các loại quỹ truyền thống ở một số khía cạnh sau:
(1) Quỹ ETF không bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ trực tiếp cho nhà đầu tư, mà chỉ phát hành theo lô lớn. Ở Việt Nam, một lô đơn vị quỹ ETF gồm tối thiểu 100,000 chứng chỉ quỹ ETF.
(2) Nhà đầu không mua lô đơn vị quỹ bằng tiền, mà thay vào đó mua các lô đơn vị quỹ ETF bằng danh mục chứng khoán cơ cấu – mô phỏng theo danh mục của chỉ số tham chiếu đã được chấp thuận. Các nhà đầu tư trực tiếp mua các lô đơn vị quỹ thường là những tổ chức đầu tư và các đơn vị tạo lập quỹ. Đây là hoạt động trên thị trường sơ cấp.
(3) Sau khi mua các lô đơn vị quỹ, nhà đầu tư thường chia nhỏ ra và bán các chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp. Điều này cho phép các nhà đầu tư khác mua các đơn vị quỹ riêng lẻ, thay vì mua lô lớn trên thị trường sơ cấp.
(4) Nhà đầu tư muốn bán chứng chỉ quỹ sẽ có hai sự lựa chọn:(i) bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp, hoặc (ii) bán các lô đơn vị quỹ ngược lại cho quỹ ETF.
4. Chứng chỉ quỹ ETF được định giá như thế nào?
Tổ chức phát hành tính toán và công bố giá trị tài sản ròng NAV (Net Asset Value) của quỹ ETF hàng ngày, dựa vào giá đóng cửa của chứng khoán cơ cấu trong danh mục sau khi cộng vào các lệ phí và chi phí.
Trong phiên giao dịch, thị giá chứng chỉ quỹ có thể thay đổi liên tục do sự dao động của giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư hay nhu cầu của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cơ chế kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) thường giữ thị giá chứng chỉ quỹ ETF gần với NAV của nó, cụ thể:
• Nếu giá ETF cao hơn giá trị NAV, thì người tham gia kinh doanh arbitrage có thể mua các chứng khoán cơ cấu để đổi lấy đơn vị quỹ ETF và bán nó trên thị trường chứng khoán để kiếm lợi nhuận.
• Nếu giá ETF thấp hơn giá trị NAV, thì người tham gia kinh doanh arbitrage có thể mua các đơn vị quỹ ETF trên thị trường chứng khoán để đổi lấy chứng khoán cơ cấu, và sau đó bán những cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường để kiếm lợi nhuận.
Hoạt động arbitrage giữa các thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường sẽ đảm bảo giá chứng chỉ quỹ ETF liên hệ chặt chẽ với giá của các chứng khoán cơ cấu.
5. Rủi ro khi đầu tư vào quỹ ETF
Rủi ro khác biệt giá trước khi niêm yết. Trước khi được phát hành, quỹ ETF huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức để hình thành nên vốn mồi (seed fund). Vốn mồi được sử dụng để tập hợp các chứng khoán cơ cấu và sau đó sẽ đổi thành chứng chỉ quỹ để bán ra công chúng.
Như vậy, từ lúc góp vốn cho đến lúc quỹ được phát hành và niêm yết thì sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro biến động giá của tài sản cơ cấu và của ETF.
Mức sinh lời của quỹ không vượt trội so với chỉ số. Do ETF mô phỏng chỉ số nên ngay cả khi thị trường trong giai đoạn tăng trưởng mạnh thì ETF cũng không thể thu được mức lợi nhuận vượt trội chỉ số mà nó mô phỏng. Đây có lẽ cũng là điểm yếu lớn nhất của quỹ ETF.
Rủi ro hệ thống đối với chỉ số mô phỏng. Về mặt lý thuyết, đầu tư vào một danh mục sẽ giảm được mức biến động giá và tác động của từng chứng khoán riêng lẻ lên toàn bộ danh mục. Tuy nhiên, bản thân của chính danh mục đầu tư cũng không thể tránh khỏi rủi ro hệ thống.
Do ETF là một dạng đầu tư chỉ số, rủi ro hệ thống của ETF cũng tương đương với rủi ro biến động của thị trường. Khi thị trường giảm, chỉ số giảm và nhà đầu tư phải gánh chịu thua lỗ.
Các quyền khác với cổ phiếu thường. Đối với ETF, nhà đầu tư phải thông qua công ty quản lý quỹ để mua chứng chỉ quỹ. Nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF cũng giống như nắm một rổ chứng khoán cơ cấu.
Tuy nhiên, do các chứng khoán thành phần vẫn thuộc về công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư nắm giữ ETF không có các quyền đối với chứng khoán thành phần mà chính công ty quản lý quỹ mới đóng vai trò là cổ đông của các cổ phiếu cơ cấu và có được các quyền liên quan (như tham dự đại hội cổ đông, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng…).
Sai số trong mô phỏng. Sai số mô phỏng là độ lệch chuẩn giữa tỷ suất sinh lợi của ETF và tỷ suất sinh lợi của chỉ số cơ sở. ETF có sai số mô phỏng càng nhỏ thì càng thu hút được nhà đầu tư.
Đối với nhà quản lý quỹ ETF, chức năng chính và quan trọng nhất là duy trì sai số mô phỏng càng nhỏ càng tốt bằng cách cơ cấu lại danh mục của quỹ.
Trong thực tế, do sự biến động của thị trường và nhiều yếu tố khác như các hoạt động chia, tách, sáp nhập doanh nghiệp hay phát hành cổ phiếu thưởng… làm cho nhiệm vụ giảm thiểu sai số mô phỏng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong trường hợp thị trường thiếu thanh khoản.
Tình trạng chênh lệch giá. Giống như cổ phiếu, ETF chịu ảnh hưởng bởi khối lượng giao dịch. Khi khối lượng giao dịch tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn, hoặc giảm xuống một cách đáng kể sẽ tạo ra chênh lệch giữa giá giao dịch và NAV.
Mặc dù ETF có cơ chế giao dịch đặc biệt từ thị trường sơ cấp và thứ cấp, tình trạng gia tăng (premium) hoặc khấu trừ (discount) vẫn có thể diễn ra và sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư.
Rủi ro tỷ giá đối với các ETF nước ngoài. Biểu hiện dễ thấy nhất của rủi ro này là trong trường hợp ETF được niêm yết ở thị trường nước ngoài còn rổ chứng khoán cơ cấu được niêm yết ở thị trường trong nước. Nếu đồng nội tệ bị mất giá so với ngoại tệ, NAV của ETF cũng giảm theo và nhà đầu tư phải gánh chịu mức lỗ này.
6. Sơ lược về quỹ ETF tại Việt Nam
Hiện nay tại Việt Nam có 2 quỹ ETF lớn nhất và tác động mạnh nhất tới thị trường là ETF VNM và ETF FTSE Vietnam Index.
Điều kiện xem xét rổ danh mục của quỹ ETF FTSE Vietnam Index:
Vốn hoá:
Các công ty có vốn hóa thị trường không nằm trong top 92% giá trị vốn hóa thị trường của danh mục sẽ bị xóa khỏi chỉ số FTSE Việt Nam All-Share Index.
Một cổ phiếu sẽ được thêm vào danh mục nếu như giá trị vốn hóa thị trường có thể đầu tư của cổ phiếu này lớn hơn 1% giá trị thị vốn hóa thị trường của chỉ số FTSE Vietnam Index trước kỳ review.
Một cổ phiếu sẽ bị loại khỏi danh mục nếu như giá trị vốn hóa thị trường có thể đầu tư của cổ phiếu này thấp hơn 0,5% giá trị thị vốn hóa thị trường của chỉ số FTSE Vietnam Index trước kỳ review.
Thanh khoản:
Giá trị giao dịch bình quân ngày trong 3 tháng của một cổ phiếu mới không đạt ít nhất 20% giá trị trung bình ngày trong 3 tháng của chỉ số FTSE Việt Nam All-Share Index thì không đủ điều kiện để được đưa vào chỉ số FTSE Vietnam All- Share Index.
Các cổ phiếu đã có trong rổ chỉ số FTSE Vietnam All-share nếu không đạt ít nhất 10% giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trong 3 tháng của rổ FTSE Vietnam All-share sẽ bị loại khỏi rổ FTSE Vietnam All-share Index.
Các cổ phiếu mới không có dữ liệu về giao dịch trong 3 tháng được cho là không có đủ điều kiện để được thêm vào chỉ số.
Tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành (free float):
Các cổ phiếu đã nằm trong rổ và có tỷ lệ free float (được tính bằng số cổ phiếu tự do giao dịch trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành) lớn hơn 5% nhưng nhỏ hơn hoặc bằng 15% sẽ bị loại khỏi rổ Index nếu vốn hóa toàn thị trường nhỏ hơn 25.000 tỷ đồng hoặc không nằm trong top 10 xét về giá trị vốn hóa.
Các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ hơn hoặc bằng 5% chắc chắn bị loại.
Đối với các cổ phiếu không nằm trong rổ, tại kỳ review, cổ phiếu không nằm trong rổ và có tỷ lệ free float lớn hơn 5% nhưng nhỏ hơn hoặc bằng 15% tổng giá trị vốn hóa sẽ có đủ điều kiện để được thêm vào chỉ số nếu như có giá trị vốn hóa lớn hơn 45.000 tỷ đồng hoặc nếu nằm trong top 5 xét về giá trị vốn hóa và đáp ứng được tất cả các điều kiện khác.
Room ngoại:
FTSE Vietnam Index sẽ loại bỏ cổ phiếu có mức độ sẵn sàng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 2% trở xuống. Tuy nhiên, những cổ phiếu này sẽ được xem xét thêm vào danh mục khi room ngoại tăng lên trên 10%.
Mức độ sẵn sàng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được tính toán bằng cách lấy mức trần trừ đi số cổ phần hiện đang được nắm giữ bởi nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, nếu nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 32% cổ phần của 1 công ty có giới hạn room ngoại là 49%, chỉ số trên sẽ là 17%.
Duy trì tối thiểu 10 cổ phiếu trong rổ FTSE Vietnam Index
Các cổ phiếu bị loại khỏi danh mục do lý do bị tạm ngưng giao dịch hoặc bị thâu tóm sẽ bị thay thế. Điều tương tự được áp dụng với các cổ phiếu bị loại bỏ để phù hợp với các luật lệ mới hoặc khi có công ty mới xuất hiện từ quá trình tái cấu trúc một công ty.
Khi một công ty bị loại khỏi FTSE Vietnam Index Seris sau khi các thay đổi với danh mục đã được quyết định nhưng lại trước khi các thay đổi được thực hiện, khoảng trống này sẽ không được thay thế cho đến kỳ review tiếp theo.
Trong trường hợp phần lớn các cổ phiếu trong FTSE Vietnam Index có mức độ sẵn sàng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn hoặc bằng 2%, và tổng số cổ phiếu đủ điều kiện tại kỳ review thấp hơn 10, FTSE Vietnam Index sẽ duy trì con số tối thiểu là 10 cổ phiếu, bất chấp các cổ phiếu không đáp ứng được điều kiện về mức độ sẵn sàng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
10 cổ phiếu này được duy trì cho đến khi các thêm cổ phiếu mới đáp ứng tiêu chuẩn. Nếu trường hợp này xảy ra, cổ phiếu mới được thêm vào sẽ thay thế cổ phiếu nhỏ nhất có tỷ lệ dưới 2%.
Trường hợp sáp nhập, chia tách cổ phiếu
Nếu một cổ phiếu nằm trong FTSE Vietnam Index bị thâu tóm bởi công ty khác, công ty mới được hình thành sẽ nằm trong rổ và xuất hiện khoảng trống. Khoảng trống này không thể bị thay thế cho đến kỳ review tiếp theo.
Nếu một công ty nằm trong FTSE Việt Nam Index Series bị thâu tóm bởi một công ty không nằm trong chỉ số này, cổ phiếu ban đầu sẽ bị loại. Công ty được hình thành sau đó lọt vào chỉ số nếu như đáp ứng đủ các điều kiện. Nếu không đáp ứng được điều kiện, chỗ trống được bù đắp trong kỳ review tiếp theo.
Nếu một công ty trong rổ chỉ số bị chia tách để hình thành hai hay nhiều công ty, các công ty mới sẽ nằm trong chỉ số cho đến kỳ review tiếp theo.
Nếu cổ phiếu đó tạm ngừng giao dịch, nó vẫn có thể nằm trong danh mục, với mức giá tại thời điểm ngừng giao dịch và trong thời gian tối đa 20 ngày giao dịch. Trong thời gian này, FTSE có thể tạm thời xóa bỏ cổ phiếu với mức giá bằng 0 trong trường hợp dự đoán cổ phiếu không thể giao dịch trở lại.
Nếu cổ phiếu giao dịch trở lại trước chiều ngày giao dịch thứ 20 (và lệnh xóa bỏ cổ phiếu này vẫn chưa được thực hiện), cổ phiếu sẽ bị xóa bỏ khỏi danh mục vào ngày thứ 21 với mức giá bằng 0. Nếu lý do tạm ngừng giao dịch không làm tổn hại đến cổ phiếu và được cho là ngắn hạn, cổ phiếu có thể được khôi phục tại mức giá treo.